|
Đập đá, nghề kiếm sống của nhiều người dân ở Gaza. Ảnh: AFP |
Những ngày qua, tiệm cờ PLO ở Dải Gaza thường không có đủ quốc kỳ của Thổ Nhĩ Kỳ để bán. Nhu cầu sắm cờ Thổ Nhĩ Kỳ tăng đột biến sau vụ quân đội Israel tấn công tàu chở hàng cứu trợ nhân đạo tới Gaza hôm 31-5. Giải thích hiện tượng này, ông chủ Mohammed Abu-Dayyah cho rằng người dân Palestine ở Dải Gaza coi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan là nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới đủ cam đảm đương đầu với Israel.
Theo Dayyah, lần đầu tiên kể từ sau chiến dịch quân sự 23 ngày đêm của quân đội Israel tại Gaza hồi tháng Giêng năm ngoái (làm 1.417 người chết, hơn 6.000 căn nhà bị phá hủy và phần lớn cơ sở hạ tầng bị hư hại), cuộc khủng hoảng nhân đạo mà 1,5 triệu người Palestine đã và đang hứng chịu đã thu hút sự quan tâm của công luận quốc tế. Nhiều nhà báo bắt đầu đến Gaza để tường thuật những gì mắt thấy tai nghe tại nơi mà Liên Hiệp Quốc mô tả là nhà tù mở lớn nhất thế giới. “Đây là khởi đầu của thời kỳ chấm dứt phong tỏa, bởi Israel không thể duy trì mãi lệnh trừng phạt người dân Gaza như hạn chế quyền đi lại, hủy diệt nền kinh tế, ngăn sửa sang nhà cửa bằng cách cấm chuyên chở vật liệu xây dựng vào Gaza”, Dayyah tin tưởng.
Tuy nhiên, niềm lạc quan trên rất mong manh, vì không gì đảm bảo Israel sẽ bãi bỏ chính sách cô lập vô nhân đạo chống người Palestine ở Gaza. Ngoại trừ một số thay đổi ở trung tâm Gaza, cả vùng lãnh thổ này vẫn tràn ngập các khu dân cư nghèo khổ. Tại một khu công nghiệp ở phía Bắc Jabaliya cách biên giới Israel 1.500 m, Khemal Dardona (40 tuổi) hì hục dùng búa tạ đập nhỏ những khối bê-tông to bằng sân bóng của các tòa nhà bị phá hủy từ cuộc chiến năm ngoái để đưa vào máy ghiền sản xuất gạch, mặt hàng hiếm ở Gaza. Dardona được trả công 12 USD/ngày. “Công việc quá nặng nhọc, phải làm 11 giờ/ngày, liên tục 6 ngày một tuần. Nhưng nhờ làm việc này, tôi mới đủ tiền nuôi gia đình 6 đứa con”, Dardona bộc bạch. Ngoài mặt hàng gạch đắt đỏ, một bao xi-măng ở đây có giá bán đến 60 USD, so với chỉ 7 USD nếu mua ở Israel.
Với lệnh phong tỏa đường bộ, hàng không lẫn trên biển mà Israel và Ai Cập áp đặt lên Gaza suốt 4 năm qua, cứ 5 người Palestine ở đây thì có 4 phải sống nhờ vào hàng viện trợ thiết yếu (gạo, sữa, bột mì, dầu ăn, đường, thịt đóng hộp) từ bên ngoài, và hơn 60% gia đình sống trong điều kiện không đảm bảo đủ lương thực. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực kinh tế tư nhân chiếm khoảng 45%. Điện và nước ngày nào cũng bị cắt, khiến một gia đình 7 người chỉ có thể xài lượng nước của một người sử dụng. Mỗi tuần Israel chỉ cho phép khoảng 650 lượt xe tải chở lương thực và thuốc men vào Gaza, so với 2.800 lượt/tuần như trước đây. 3/4 cơ sở hạ tầng dân sự bị quân đội Israel tàn phá nặng nề hồi năm ngoái đến nay vẫn chưa được sửa chữa. Cách đây một thập niên, nhờ nền kinh tế có thể xuất khẩu khoảng 400 triệu USD/năm sang Israel, nên thu nhập bình quân của dân Gaza đạt 2.500 USD. Nhưng kể từ khi vùng đất này bị Israel cấm vận năm 2007, thu nhập của phần lớn người dân tụt chỉ còn 600 USD.
Mấy năm qua, một bộ phận người dân Gaza sống nhờ vào nguồn hàng buôn lậu vận chuyển trong các đường hầm do Hamas kiểm soát, nhưng chính quyền Ai Cập thông báo sẽ xây bức tường thép dưới lòng đất nhằm cắt đứt “mạch sống ngầm” này.
PHÚC GIA AN
(Theo Herald, Independent)