19/02/2008 - 23:09

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2008 - Giai đoạn nước rút

Đảng Dân chủ đang phân vân trong việc chọn một phụ nữ hay một người da màu làm đại diện cho mình. Ảnh: ABC

Cuộc cạnh tranh giành quyền đại diện cho hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tham gia chạy đua vào Nhà Trắng đang vào hồi quyết liệt. Phía đảng Cộng hòa, thượng nghị sĩ John McCain gần như không có đối thủ. Trong khi đó bên đảng Dân chủ, cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton và thượng nghị sĩ da màu Barack Obama đang giằng co nhau từng phiếu một. Nhân sự kiện này, chúng tôi xin giới thiệu sơ lược ve thể thức các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ.

Theo thông lệ, bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào thứ ba sau ngày thứ hai đầu tiên của tháng 11. Như vậy năm nay việc bầu chọn tổng thống thứ 44 của nước Mỹ sẽ rơi vào ngày 4-11. Người đắc cử sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-1-2009. Tổng thống Mỹ có nhiệm kỳ 4 năm và thời gian cầm quyền kéo dài không quá 2 nhiệm kỳ.

Không giống như đa số các nước khác trên thế giới, bầu cử tổng thống Mỹ được thực hiện theo hệ thống “đại cử tri” (electoral college). Có tất cả 538 đại cử tri, bằng tổng số hạ nghị sĩ (435), thượng nghị sĩ (100) cộng 3. Ở mỗi bang, số đại cử tri (được bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu) bằng tổng số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ của bang tại Quốc hội liên bang. Riêng Thủ đô Washington do không có đại diện ở Thượng viện lẫn Hạ viện nên được phân bổ 3 ghế đại cử tri. Người thắng cử là người giành được ít nhất 270 phiếu ủng hộ của đại cử tri. Nếu không ai giành được đa số phiếu, Hạ viện sẽ tiến hành chọn tổng thống (mỗi bang chỉ được một phiếu). Trong lịch sử nước Mỹ, trường hợp này từng xảy ra hồi năm 1825. Bầu cử theo hệ thống đại cử tri hiện vẫn còn gây nhiều tranh cãi bởi đôi khi thất cử lại là người giành được nhiều phiếu phổ thông nhất, chẳng hạn như trường hợp ông Al Gore thua cuộc trước ông George Bush hồi năm 2000.

Có nhiều đảng phái cũng như ứng viên độc lập tham gia chạy đua vào Nhà Trắng, nhưng trước nay gần như đó là cuộc đua song mã giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Để được chọn làm đại diện của đảng mình, các ứng viên của mỗi đảng phải tranh thủ được sự ủng hộ của đa số các đại biểu tham dự đại hội toàn quốc của đảng để đề cử ứng viên tổng thống chính thức (số phiếu này được tính thông qua các cuộc bầu cử sơ bộ đang diễn ra ở các bang).

Về phía đảng Dân chủ, ứng viên phải giành được ít nhất 2.025 phiếu ủng hộ trong số 4.049 đại biểu tham dự đại hội. Trong số các đại biểu nói trên có 796 “siêu đại biểu”, là những nhân vật quan trọng của đảng như các cựu tổng thống, phó tổng thống, lãnh đạo đảng và quốc hội. Những người này được toàn quyền can thiệp, có thể ủng hộ bất cứ ứng viên nào bất chấp kết quả bầu cử sơ bộ ra sao. Cho tới nay, bà Hillary nhận được sự ủng hộ của 1.220 đại biểu, trong đó có 242 “siêu đại biểu”, con số tương ứng đối với ông Obama là 1.275 và 163.

Bên phía đảng Cộng hòa, muốn được làm đại diện của đảng, ứng viên phải tranh thủ được sự ủng hộ của ít nhất 1.191 trong số 2.380 đại biểu tham dự đại hội. Hiện ông McCain nhận được sự ủng hộ của 908 đại biểu và nhiều khả năng sẽ “hưởng sái” 253 phiếu từ ứng viên bỏ cuộc Mitt Romney, bỏ xa đối thủ là cựu Thống đốc bang Arkansas, ông Mike Huckabee (chỉ có 245 phiếu).

•LÊ DÂN (Tổng hợp từ Wikipedia, AP)

•LÊ DÂN (Tổng hợp từ Wikipedia, AP)

Chia sẻ bài viết