15/10/2020 - 09:40

Báo Mỹ bình luận về “điều thần kỳ” tại Việt Nam 

Ngày 13-10, tờ New York Times của Mỹ đăng bài viết: “Việt Nam - Điều thần kỳ mới của châu Á?” của tác giả Ruchir Sharma, chiến lược gia trưởng toàn cầu của Bộ phận quản lý đầu tư thuộc Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Morgan Stanley. Trong bài viết, tác giả cho rằng việc khống chế đại dịch COVID-19 đã cho phép Việt Nam nhanh chóng mở cửa lại các doanh nghiệp và dự báo đây sẽ là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2020.

Cảnh nhộn nhịp tại phố Hàng Mã, Hà Nội trên báo New York Times.

Theo phóng viên TTXVN tại New York, bài báo cho biết trong vòng vài ngày sau khi Trung Quốc công bố trường hợp đầu tiên mắc COVID-19, Việt Nam đã huy động nhiều nguồn lực để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Việc nhanh chóng xác định và phong tỏa các ổ dịch đã giúp tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Việt Nam nằm trong số 4 nước thấp nhất thế giới. Trong khi nhiều quốc gia vẫn đang hứng chịu những suy giảm kinh tế to lớn và phải đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cứu trợ, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng với tỷ lệ hằng năm khoảng 3%. Ấn tượng hơn, sự tăng trưởng của Việt Nam được thúc đẩy nhờ thặng dư thương mại kỷ lục, bất chấp sự sụt giảm mạnh của thương mại toàn cầu.

Tác giả nhấn mạnh sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, “những điều thần kỳ châu Á” - đầu tiên là Nhật Bản, sau đó là vùng lãnh thổ Ðài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và gần đây nhất là Trung Quốc - đã vươn lên thoát nghèo bằng cách mở cửa cho thương mại và đầu tư và trở thành các cường quốc sản xuất để xuất khẩu. Trong suốt những năm phát triển bùng nổ, các nước và vùng lãnh thổ này đã tạo ra mức tăng trưởng xuất khẩu hằng năm khoảng gần 20% - gần gấp đôi mức trung bình của các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình vào thời điểm đó. Việt Nam đã duy trì tốc độ tương tự trong suốt 3 thập kỷ. Ngay cả khi thương mại toàn cầu sụt giảm trong những năm đầu tiên của thế kỷ 21, xuất khẩu của Việt Nam cũng đã tăng trưởng 16% mỗi năm. Cho đến nay, đây vẫn là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới và gấp 3 mức trung bình của các nền kinh tế mới nổi.

Việt Nam đã dành nguồn lực đáng kể cho xuất khẩu, xây dựng đường sá, các bến cảng để đưa hàng hóa ra nước ngoài và xây dựng các trường học để đào tạo công nhân. Chính phủ đã đầu tư khoảng 8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi năm để thực hiện các dự án xây dựng mới và hiện được xếp hạng cao hơn về chất lượng cơ sở hạ tầng so với bất kỳ nước nào khác trong giai đoạn phát triển tương tự. Ngoài ra, Việt Nam cũng hướng dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài theo hướng tương tự. Trong vòng 5 năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đạt mức trung bình hơn 6% GDP của Việt Nam, tỷ lệ cao nhất so với các nước mới nổi. Phần lớn trong số đó dành cho việc xây dựng các nhà máy sản xuất và cơ sở hạ tầng liên quan và hầu hết hiện nay vốn FDI đến từ các quốc gia châu Á, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.

Việt Nam đã trở thành một điểm đến ưa thích đối với các nhà sản xuất xuất khẩu. Thu nhập bình quân đầu người hằng năm ở Việt Nam đã tăng gấp 5 lần kể từ cuối những năm 1980 lên mức gần 3.000 USD/người/năm. Ngành hàng công nghệ đã vượt qua ngành hàng dệt may để trở thành lĩnh vực xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam trong năm 2015, và đang trên con đường trở thành ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn trong thặng dư thương mại kỷ lục trong năm nay.

Khi nhiều nước có xu hướng tăng cường bảo hộ thương mại, Việt Nam ký kết hơn một chục hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Tác giả Sharma kết luận giống như phép mầu từ một thời kỳ đã qua, hiện nay Việt Nam đang hướng đến xuất khẩu để vươn lên sự thịnh vượng.

KHẮC HIẾU

Chia sẻ bài viết