15/05/2014 - 08:36

Ukraina

Bạo lực đe dọa nỗ lực hòa giải

Một trạm kiểm soát của quân đội Ukraina gần khu vực của lực lượng nổi dậy ở miền Ðông.

Hôm qua Quốc hội Ukraina đã tổ chức hội nghị bàn tròn quốc gia tại Thủ đô Kiev trong nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở miền Ðông nước này.

Đây là một phần trong tiến trình hạ nhiệt căng thẳng cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraina do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đề xuất. Theo BBC, thành viên trong các cuộc đàm phán dự kiến bao gồm chính phủ lâm thời và lãnh đạo các khu vực, đại diện các tổ chức. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hiện có mặt tại Ukraina cũng bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán lần này có thể xoa dịu căng thẳng giữa chính quyền và lực lượng ly khai cũng như cải thiện bầu không khí chính trị chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống Ukraina vào ngày 25-5.

Tuy nhiên, nỗ lực ngoại giao quốc tế vẫn gặp trở ngại khi Kiev không đề cập đến bất kỳ đại diện nào của phe nổi dậy giữa lúc lực lượng ly khai thân Nga cũng lên tiếng không tham gia đàm phán. Thêm vào đó, báo cáo về các vụ đọ súng giữa hai bên tiếp tục phủ bóng lên tiến trình hòa giải.

Theo thông tin hôm 14-5 từ Bộ Quốc phòng và Cơ quan An ninh Ukraina (SBU), xe bọc thép quân đội chính phủ mang theo lính nhảy dù và hai xe tải chở súng máy đã phát nổ khi bị tấn công bằng súng phóng lựu và vũ khí tự động tại khu vực Donetsk. Sau đó, có thêm 7 binh sĩ thiệt mạng và 7 người khác bị thương trong cuộc đấu súng với khoảng 30 phiến quân phục kích trong các bụi cây dọc theo một con sông gần thị trấn Kramatorsk. Đây được xem là con số thương vong nặng nề nhất kể từ khi chính phủ lâm thời ở Kiev triển khai chiến dịch "chống khủng bố" nhằm kiểm soát các cuộc nổi loạn ở miền Đông. Trong khi đó tại Luhansk, lực lượng nổi dậy cho biết Thống đốc tự phong Valery Bolotov đã bị bắn và mất rất nhiều máu, nhưng may mắn không đe dọa đến tính mạng.

Trong diễn biến có liên quan, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 14-5 tuyên bố đã rút quân khỏi biên giới, song phía Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều cho biết không thấy dấu hiệu nào về việc rút quân. Cụ thể, Washington đã trưng ra hình ảnh vệ tinh vào ngày 13-5, trong đó chỉ ra rằng lực lượng Nga vẫn còn hiện diện gần biên giới Ukraina. Đồng thời, một phát ngôn viên của NATO - Đại tá Martin Downie trong một tuyên bố cho biết Nga vẫn duy trì 40.000 quân tại vùng biên giới của Ukraina và 25.000 quân tại Crimea cùng các đơn vị bộ binh cơ giới, xe bọc thép và máy bay trực thăng chiến đấu.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, BBC)

Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin trong thông báo hôm 14-5 đã công bố hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm đáp trả các biện pháp cứng rắn của Washington nhằm vào Mát-xcơ-va trong lĩnh vực công nghệ cao liên quan tình hình Ukraina. Cụ thể, ông Rogozin cho biết Nga đã từ chối đề nghị của Mỹ về việc kéo dài thời gian sử dụng Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) sau năm 2020; đồng thời Mát-xcơ-va cũng ra lệnh cấm đối với hoạt động cung cấp động cơ tên lửa NK-33 and RD-180 vốn được Mỹ sử dụng lâu nay, trừ phi Washington không dùng vào mục đích phóng vệ tinh quân sự.

Ngoài ra, ông Rogozin còn cho biết Nga sẽ đình chỉ hoạt động 11 trạm GPS của Mỹ trên lãnh thổ nước này bắt đầu từ tháng 6 và tìm kiếm đàm phán về việc mở trạm định vị Glonass của Nga trên đất Mỹ. Nếu hai bên vẫn không đạt được thỏa thuận, tất cả trạm GPS của Mỹ tại Nga sẽ chấm dứt hoạt động vĩnh viễn kể từ tháng 9.

Chia sẻ bài viết