12/12/2022 - 08:12

Bảo hiểm Y tế - tấm thẻ “hộ mệnh” của người nhiễm HIV 

Bài, ảnh: K.NHIÊN

Bảo hiểm Y tế (BHYT) rất quan trọng với người dân không may bị bệnh tật. Với người nhiễm HIV/AIDS, BHYT càng trở nên quan trọng trong việc bảo đảm cho họ được tiếp cận với thuốc ARV liên tục, suốt đời.

BS Phòng khám Ngoại trú Trung tâm Y tế quận Bình Thủy tư vấn cho bệnh nhân.​

Anh V.M.P, 23 tuổi, một bệnh nhân đang điều trị ARV tại Trung tâm Y tế quận Bình Thủy, TP Cần Thơ cho biết, năm 2021 đi xét nghiệm mới phát hiện mình nhiễm HIV. Nhưng nhờ duy trì điều trị bằng thuốc ARV nên công việc và sinh hoạt thường ngày không bị xáo trộn nhiều. Anh P kể: “Khi nghe thông tin nguồn tài trợ thuốc điều trị ARV bị cắt giảm, phải tự chi trả chi phí cho việc điều trị bệnh, tôi rất lo lắng vì chi phí điều trị cao, nhưng bây giờ vẫn tiếp tục được điều trị bằng BHYT, tôi rất mừng”. Không riêng gì P, một bạn sinh viên đang điều trị ARV ở Bệnh viện Ða khoa TP Cần Thơ cũng cho biết: “Khi tình cờ xét nghiệm HIV tại buổi truyền thông trong trường học, em mới biết mình có phản ứng với HIV. Sau đó xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV. Nhờ có BHYT, mà em đỡ lo chi phí, yên tâm điều trị ARV. Em vẫn đi học, đi làm thêm bình thường”. 

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, lũy tích đến ngày 31-10-2022, số người nhiễm HIV phát hiện được là 7.148 người, số còn sống là 4.556 người, tử vong 2.592 người. Cùng với các biện pháp y tế thông thường, những năm qua, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được điều trị bằng thuốc ARV, giúp bảo vệ sức khỏe người bệnh và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng. Khi sử dụng thuốc, bệnh nhân có đủ sức khỏe, thể lực, sống và lao động bình thường như những người khác, nhờ đó, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, tham gia BHYT, người nhiễm HIV sẽ được chi trả từ 80% chi phí khám, chữa bệnh (KCB), bao gồm cả chi phí mua thuốc ARV. Người nhiễm HIV thực hiện khám chữa bệnh tại tuyến xã hoặc thuộc đối tượng diện nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi... sẽ được bảo hiểm chi trả toàn bộ chi phí KCB.

Bà Nguyễn Thị Mộng Diễm, cán bộ phụ trách Phòng khám Ngoại trú, Trung tâm Y tế quận Bình Thủy cho biết, BHYT là giải pháp thiết thực nhằm giúp người nhiễm HIV được đảm bảo điều trị ARV liên tục, không để bệnh nhân bỏ điều trị.

Thời gian qua, ngành Y tế tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tư vấn cho người nhiễm HIV về lợi ích khi tham gia BHYT và hỗ trợ mua thẻ BHYT. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội phối hợp  ngành Y tế xây dựng, ký hợp đồng KCB bằng BHYT với các cơ sở điều trị HIV/AIDS. Ðồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc từ nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị.

Nhờ tích cực triển khai, số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn thành phố có thẻ BHYT tăng theo từng năm. Ðến nay, trên địa bàn thành phố có 1.581 bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT, chiếm tỷ lệ 96% (từ nguồn ngân sách Nghị quyết 13 của HÐND đã cấp thẻ BHYT cho 1.470 bệnh nhân điều trị ARV, Quỹ toàn cầu hỗ trợ mua thẻ BHYT cho 111 bệnh nhân), các bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV không có thẻ BHYT hiện đang được cấp thuốc miễn phí từ nguồn thuốc tài trợ chưa sử dụng hết.

Từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ sở điều trị HIV tại TP Cần Thơ đã cấp phát khoảng 1.800.000 viên thuốc ARV. Trong đó, thuốc do BHYT chi trả chiếm gần 80%, còn lại do dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ cho những trường hợp bệnh nhân không có thẻ BHYT hoặc sử dụng thuốc ARV không thuộc danh mục chi trả của BHYT, bệnh nhân tại trại giam, trại tạm giam, người bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Việc triển khai chương trình cấp phát thuốc nhiều tháng (tối đa 90 ngày) cho bệnh nhân điều trị ổn định đã giúp họ tốn ít thời gian và chi phí đi lại, đồng thời giảm áp lực công việc cho các phòng khám ngoại trú điều trị HIV/AIDS.

Bên cạnh những thuận lợi thì công tác quản lý, cấp phát thuốc trong năm 2022 cũng gặp một vài khó khăn. Kết quả trúng thầu thuốc ARV nguồn BHYT từ Trung ương có trễ hoặc không trúng thầu, thuốc miễn phí nguồn dự án Quỹ toàn cầu cũng bị hạn chế, do đó công tác điều chuyển thuốc ARV giữa các cơ sở y tế giữ vai trò quan trọng, đảm bảo cho bệnh nhân không bị gián đoạn việc điều trị. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có khoảng 20 lần điều chuyển với gần 60.000 viên thuốc ARV cho các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.

Chia sẻ bài viết