Tính đến ngày 1-8, thế giới ghi nhận 198,5 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó hơn 4,23 triệu người đã tử vong, theo worldometers.info. Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nhân loại đang tăng tốc với 40,6 triệu liều mỗi ngày.

Tổng thống Israel Isaac Herzog tiêm mũi vaccine thứ 3 hôm 30-7. Ảnh: GPO
Bloomberg cho biết đến nay đã có 4,1 tỉ liều vaccine được tiêm trên toàn cầu. Nếu tốc độ tiêm chủng như hiện nay được duy trì, thế giới cần thêm 6 tháng nữa để trang bị lá chắn chống SARS-CoV-2 cho 75% dân số. Tuy nhiên, vấn đề là tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng về vaccine với những nước giàu nhất có tốc độ tiêm chủng nhanh gấp 30 lần so với những nước nghèo nhất.
Hiện Trung Quốc đứng đầu thế giới về tiêm vaccine (1,63 tỉ liều), kế đến là Ấn Độ (467 triệu), Mỹ (345 triệu) và Brazil (141 triệu liều). Mỹ, Ấn Độ và Brazil đang là 3 quốc gia bị COVID-19 ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nhưng nếu xét về tỷ lệ tiêm vaccine trong dân số thì Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) xếp vị trí số 1 khi có tới 70,8% dân số nước này được tiêm vaccine đầy đủ. Israel, quốc gia đã tiêm đủ 2 liều vaccine cho 59,3% dân số, thậm chí còn khởi động tiêm mũi thứ 3 cho người dân dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng có thể chưa cần thiết phải làm như vậy.
Các nước giàu cũng nắm trong tay lượng vaccine khổng lồ mà có thể sẽ không bao giờ sử dụng hết cho nhu cầu nội địa. Liên minh châu Âu (EU) đã đặt mua 3 tỉ liều vaccine, tức 6,6 liều cho mỗi người dân; Mỹ 1,3 tỉ liều (4 liều cho mỗi người dân); Úc 170 triệu liều (7 liều cho mỗi người dân); Anh 500 triệu liều (8 liều cho mỗi người dân); Canada hơn 500 triệu liều (13 liều cho mỗi người dân).
Tín hiệu đáng mừng là trước diễn biến phức tạp của đại dịch, các nước giàu đang đẩy mạnh san sẻ vaccine. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết viện trợ cho các nước khác 580 triệu liều vaccine trong 2 năm 2021 và 2022. Tuy số lượng không nhiều như Mỹ nhưng EU, Anh, Nhật, Canada…cũng đang cung cấp hàng chục triệu liều vaccine cho các nước thu nhập thấp. Tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6, lãnh đạo nhóm G7 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada và Nhật) cùng cam kết tặng 1 tỉ liều vaccine, được phân phối qua cả kênh trực tiếp lẫn thông qua chương trình COVAX - cơ chế chia sẻ vaccine do WHO khởi xướng nhằm phân phối công bằng nguồn vaccine COVID-19 cho các nước nghèo trên thế giới.
Bên cạnh đó là nỗ lực của các hãng dược phẩm nhằm đẩy nhanh tốc độ sản xuất vaccine cũng như tạo ra các sản phẩm mới dễ sử dụng hơn. Chẳng hạn hãng dược Oramed của Israel dự kiến tháng này sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 dạng viên uống. Trong khi đó, ông Alexander Gintsburg, Viện trưởng Viện Gamaleya - người đi đầu trong việc phát triển vaccine Sputnik V ở Nga, cho biết nước này đã thử nghiệm vaccine dạng xịt mũi phù hợp với trẻ em từ 8-12 tuổi và có kế hoạch ra mắt sản phẩm mới vào tháng 9 tới.
Tỷ lệ tiêm chủng ở Mỹ tăng do lo ngại về biến thể Delta
Tốc độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Mỹ đã tăng đều đặn trong 3 tuần vừa qua, đặc biệt ở một số bang miền Nam, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp vì có nhiều người do dự.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), trong bối cảnh số ca nhiễm và nhập viện vì COVID-19 ngày càng gia tăng do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, tốc độ tiêm chủng trên toàn nước Mỹ đã được cải thiện, trung bình khoảng 657.000 liều mỗi ngày, tăng 26% so với ba tuần trước.
|
QUỐC KHÁNH