24/09/2012 - 20:52

Báo động bệnh viêm não gia tăng!

Phạm Văn Trạng đang nằm mê man tại khoa
Hồi sức tích cực.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, từ đầu năm đến ngày 4-9-2012, bệnh viện đã tiếp nhận 46 bệnh nhi bị viêm não (tăng 5 ca so với cùng kỳ 2011), trong đó, 15 trường hợp ở TP Cần Thơ (tăng 2 trường hợp so với cùng kỳ), tử vong 3 trường hợp (1 ở TP Cần Thơ, 1 ở tỉnh Hậu Giang và 1 ở tỉnh Vĩnh Long, tăng 2 trường hợp so với cùng kỳ 2011). Điều đáng lo là, bệnh viêm não có tỷ lệ tử vong cao và trong nhiều trường hợp, nếu có khỏi bệnh thì di chứng cũng rất nặng nề…

Tăng số ca mắc và tử vong do viêm não

Đầu tháng 9-2012, chúng tôi đến Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ tìm hiểu về tình hình gia tăng bệnh viêm não ở trẻ nhỏ. Mẹ em Hồ Đoàn Duyên, 12 tuổi, ở xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, đang nằm điều trị tại khoa Truyền nhiễm cho biết: "Duyên nghỉ học gần 3 tuần nay rồi. Mới đầu chỉ nóng sốt, nhức đầu thôi. Tôi mua thuốc tây cho uống rồi đưa đi bác sĩ tư điều trị cũng không hết. Năm ngày sau khi phát bệnh, gia đình chuyển Duyên đến bệnh viện huyện được 3 ngày và sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ. Ban đầu nhập viện, Duyên bị sốt, đau bụng, lạnh run, mê man; bác sĩ nói cháu bị viêm màng não. Nghe vậy, tôi lo sợ quá, cháu cứ khóc suốt, nhờ các bác sĩ tích cực điều trị mấy hôm nay đã khỏe hơn, không còn sốt, nhức đầu, lạnh run".

Nhìn em Phạm Văn Trạng, 14 tuổi ở xã Nhơn Hòa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu (điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực), nằm mê man, miệng gắn ống thở, mắt băng kín, tim tôi như thắt lại. Anh Phạm Văn Anh, chú của Trạng kể: "Cháu tôi nhập viện gần 1,5 tháng nay. Cháu phát bệnh hôm trước, thì hôm sau gia đình đưa vô bệnh viện huyện ngay. Nằm bệnh viện huyện 1 ngày thì co giật nên bệnh viện chuyển lên đây. Ai mà ngờ, ở nhà chỉ sốt, nhức đầu, mà nhà lại gần bệnh viện nên đưa đi sớm mà lại bệnh nặng như vậy. Bác sĩ nói nó nguy kịch lắm, còn nước còn tát, chứ biết làm sao bây giờ. Cháu chuẩn bị vào học lớp 8, gia đình mua tập vở, quần áo hết rồi, chưa kịp nhập học. Cháu có bảo hiểm y tế mà cũng tốn hơn 60 triệu đồng chi phí tiền thuốc, đi lại, ăn uống…".

Bác sĩ Hà Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (đơn vị chuyên điều trị bệnh nhi bị bệnh nặng) cho biết: "Trong vòng 1 tháng trở lại đây, bệnh viêm não có chiều hướng gia tăng, đáng lo nhất là bệnh nhi bệnh nặng nhập viện nhiều. Các năm trước, một năm, khoa chỉ tiếp nhận từ 5 đến 10 bệnh nhi bị viêm não. Vậy mà, trong tuần qua, khoa tiếp nhận đến 4 ca. Phần lớn các cháu trên 10 tuổi, nhập viện với tình trạng sốt, nhức đầu, nôn ói nhiều. Sau đó, bệnh nhân lơ mơ, không tỉnh táo, xuất hiện các cơn co giật toàn thân, yếu liệt chi, hôn mê sâu và suy hô hấp, dễ dẫn đến tử vong".

Cần thiết chọc dò tủy sống

Theo bác sĩ Phạm Thị Chinh, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ cho biết: "Tùy theo tổn thương của não hay màng não mà gọi là bệnh viêm não hay viêm màng não. Bệnh viêm não hầu như do siêu vi gây ra, còn viêm màng não có thể do vi trùng gây mủ, lao, hoặc siêu vi trùng gây ra. Đối với viêm não thường biểu hiện cấp tính với các dấu hiệu lâm sàng nặng như: sốt cao đột ngột, sốt liên tục, lơ mơ rồi hôn mê sâu và nhanh chóng dẫn đến suy hô hấp, trụy mạch và tử vong. Nếu qua được thì di chứng tinh thần và chức năng vận động cũng ảnh hưởng rất nhiều.

Bệnh viêm màng não thường biểu hiện rất đa dạng, tùy theo lứa tuổi và phản ứng của từng bệnh nhân đối với từng loại vi trùng khác nhau sẽ có triệu chứng nặng nhẹ khác nhau và cách khởi phát từ từ hay đột ngột khác nhau. Thường thì bệnh nhân sốt cao có kèm đau nhức, lạnh run. Đặc biệt là hội chứng màng não gồm: Nhức đầu, nôn ói (nôn tự nhiên, dễ dàng, không liên quan đến ăn uống), táo bón. Rối loạn tri giác từ nhẹ tới nặng như li bì, quấy khóc, ngủ gà, lơ mơ, mê nông rồi mê sâu, co giật… Với những bệnh nhi hôn mê sâu, nếu cứu sống được, di chứng cũng rất nặng nề. Vì khác với các tế bào khác trong cơ thể, tế bào não khi đã tổn thương hoặc chết đi thì không có khả năng tái tạo, hoặc làm thay tế bào bên cạnh. Các di chứng về thần kinh như tiếp thu chậm (di chứng nhẹ nhất), sống đời sống thực vật. Di chứng về vận động như yếu, liệt tay chân, co gồng liên tục, không đi lại được…theo các bác sĩ, di chứng nhiều hay ít phụ thuộc vào vi-rút đã làm tổn thương vùng nào của não và các triệu chứng ban đầu của bệnh.

Hiện nay, để chẩn đoán viêm não, viêm màng não, các bác sĩ chỉ định chọc dò tủy sồng nhưng có nhiều cha mẹ không đồng ý. Bác sĩ Phạm Thị Chinh cho biết: "Gia đình sợ chọc dò tủy sống ảnh hưởng đến não của trẻ nên không đồng ý thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, chọc dò tuỷ sống không ảnh hưởng đến não, mà giúp xác định chính xác viêm não hay viêm màng não, do vi-rút hay vi trùng nào gây ra, từ đó, định hướng điều trị chính xác. Nếu không chọc dò tủy sống, bác sĩ phải điều trị bao vây, vừa kéo dài thời gian, vừa tốn kém cho gia đình và đôi khi không hiệu quả...Bệnh nặng hay không phụ thuộc vào các cháu bị nhiễm siêu vi hay vi trùng, nhiễm số lượng nhiều hay ít, độc lực của vi trùng cao hay thấp…không liên quan gì đến chọc dò tủy sống".

Theo các bác sĩ, bệnh viêm màng não chủ yếu điều trị bằng kháng sinh. Nếu bệnh được chẩn đoán và điều trị sớm, sử dụng thuốc kháng sinh đúng và đủ liều thì hiệu quả điều trị cao hơn. Còn bệnh viêm não, phụ thuộc vào thể bệnh. Thể tối cấp, tỷ lệ tử vong cao và di chứng nhiều. Bệnh do siêu vi gây ra, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng và nâng đỡ. Nhưng nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời cũng góp phần giảm tỷ lệ tử vong.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Có thể phòng tránh viêm não, màng não cho trẻ bằng các biện pháp đơn giản và hiệu quả sau đây: Đối với bệnh viêm não, màng não đã có vắc-xin thì đưa trẻ đi tiêm ngừa. Ngoài ra, gia đình cần thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn vệ sinh cá nhân như ăn chín, uống sôi, rửa tay trước và sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn để phòng các tác nhân lây bệnh theo đường tiêu hóa. Tích cực diệt muỗi, phát hoang bụi rậm để diệt nơi trú ẩn của muỗi. Không nên nuôi heo, chim chóc trong nhà, vì chúng có thể là những ổ chứa siêu vi viêm não Nhật Bản; tuyệt đối không để trẻ chơi gần chuồng gia súc, bãi rác, bụi cây. Cần thiết cho trẻ ngủ màn kể cả ban ngày để tránh bị bọ, muỗi đốt. Khi trẻ mắc các bệnh viêm họng, viêm tai giữa, viêm xoang…thì nên điều trị tích cực và triệt để hạn chế lây qua não. Đó là những cách phòng ngừa tốt nhất, có thể giúp trẻ tránh mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này.  

Bài, ảnh: Huệ Hoa

Chia sẻ bài viết