30/03/2022 - 08:16

Gắn biên giới đất liền với biển, đảo khơi xa

Bài 2: Dấu ấn đậm nét biển, đảo ở vùng biên giới 

Những mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa đã xây dựng, nhiều ngôi nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết… được cán bộ, chiến sĩ Hải quân tặng người có công, gia đình chính sách đến các hoạt động triển lãm lưu động… ở các địa phương đã tạo được điểm nhấn về biển, đảo, bộ đội Hải quân trên vùng cao, vùng biên giới…

Bài học bên mô hình cột mốc chủ quyền

Tỉnh Kon Tum-địa phương mà Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức tuyên truyền biển, đảo (TTBĐ). Hai đơn vị thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức nên các buổi tuyên truyền luôn thu hút đông đảo mọi người tham gia, tạo sức lan tỏa lớn. Thời gian qua, tỉnh Kon Tum tập trung TTBĐ cho học sinh, đoàn viên, thanh niên thông qua các mô hình, giờ học ngoại khóa . Đến nay, tỉnh đã có nhiều trường học xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa ở vị trí trang trọng trong khuôn viên nhà trường. Dù tỉnh không có biển, đảo nhưng cách làm đó đã “kéo” biển, đảo về gần với địa phương, thắp sáng tình yêu biển, đảo cho tuổi trẻ nhiều hơn.

Huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum có 17 dân tộc, 5 xã tiếp giáp với Cam-pu-chia và Lào, có cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Với mong muốn giúp các em học sinh nâng cao kiến thức hiểu biết bộ đội Hải quân, thấy được giá trị to lớn của chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, Ngành giáo dục huyện đã khắc phục khó khăn, phát huy sức mạnh tập thể trong TTBĐ và đạt được nhiều kết quả.

Một tiết mục tuyên truyền về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của học sinh tỉnh Kon Tum

Thầy Vũ Việt Thắng, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cho biết:  Huyện có 9 trường xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa và làm các loại mô hình về biển, đảo ngay trong khuôn viên nhà trường để giáo dục trực quan cho các em học sinh hàng ngày. Vào các ngày lễ hoặc hưởng ứng Tuần lễ biển, hải đảo Việt Nam hàng năm, các nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động hết sức thiết thực như: Chào cờ đầu tuần, cuộc thi tìm hiểu về biển, đảo dưới hình thức “Rung chuông vàng”, làm báo tường, sưu tầm tranh, ảnh... về biển, đảo, biểu diễn văn nghệ, nói chuyện chuyên đề về biển, đảo, câu lạc bộ "Em yêu biển đảo"..., đặc biệt các  trường thường xuyên lồng ghép thông tin biển, đảo trong môn học lịch sử, địa lý...

Trong các lần tham gia thi tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam do Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức, giáo viên, học sinh huyện Ngọc Hồi tham gia nhiệt tình với khoảng 90% giáo viên và 40% học sinh các cấp học tham gia.

Ngoài ra các tỉnh biên giới khác cũng có nhiều hoạt động thiết thực, nhất là khi các đại biểu đi thăm quân dân Trường Sa và Nhà giàn DK1, họ là những hạt nhân TTBĐ đối với cơ quan, đơn vị mình công tác bằng những câu chuyện đầy xúc cảm…

Những công trình, phần quà ấm áp tình biển

Trong một lần tham gia lễ khánh thành và trao nhà tình nghĩa cho gia đình người có công với cách mạng ở xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mẩn, tỉnh Hà Giang do Cục Hậu cần Hải quân phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang tổ chức; chúng tôi rất ấn tượng khi chứng kiến những tiết mục văn nghệ đặc sắc ca ngợi quê hương, đất nước và biển, đảo Việt Nam. Sân khấu biểu diễn được dựng rất nhanh ngay trước ngôi nhà tình nghĩa vừa mới xây. Buổi lễ trở thành buổi liên hoan văn nghệ ấm tình quân dân. Ở vị trí có độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển, giữa núi rừng bao la mà tôi như ngỡ đang dạt dào giữa sóng biển trùng khơi. Ngôi nhà được khánh thành bàn giao cho gia đình sử góp phần để bà con dân tộc nơi đây thấy được tấm lòng vì nhân dân phục vụ của bộ đội Hải quân.

Cục Hậu cần Hải quân phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang trao nhà tình nghĩa tại xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mẩn, tỉnh Hà Giang

Cục Kỹ thuật Hải quân cũng đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng, chính quyền địa phương tặng phòng máy vi tính cho Trường Tiểu học Lăng Yên, xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Phòng máy của nhà trường đưa vào sử dụng đã giúp giáo viên, học sinh có thêm phương tiện giảng dạy, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng biên giới điều kiện kinh tế, xã hội và giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn. Trên mỗi máy tính, màn hình chờ là hình ảnh chiến sĩ Hải quân bên cột mốc chủ quyền Trường Sa. Biểu tượng đó tiếp thêm nghị lực để thầy trò nhà trường ra sức thi đua dạy thật tốt, học thật tốt.

Tại buổi ký kết chương trình phối hợp TTBĐ giữa Tỉnh ủy Cao Bằng với Đảng ủy Quân chủng Hải quân, đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng đã dẫn dắt truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh được 100 người con, 50 người con theo cha về miền biển, 50 người con theo mẹ lên miền núi để khai phá đất đai, mở mang bờ cõi và nhấn mạnh: Việc ký kết phối hợp TTBĐ giữa tỉnh Cao Bằng và Quân chủng Hải quân thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa miền biển với vùng cao. Những chia sẻ đó đến nay đã được hiện thực hóa bằng nhiều hoạt động giữa Cục Kỹ thuật Hải quân và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng trong phối hợp tuyên truyền.

Một điểm chung ở mỗi cơ quan, đơn vị Hải quân phối hợp tổ chức với địa phương TTBĐ là gắn kết tình quân dân nơi “phên dậu” của Tổ quốc, tô thắm hình ảnh bộ đội Hải quân trong lòng nhân dân các dân tộc. Bộ Tham mưu Hải quân đã phát động phong trào “Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tham mưu Hải quân đồng hành cùng các em học sinh trường nội trú biên giới tỉnh Lai Châu”. Hàng năm, số tiền mà cán bộ, chiến sĩ tự nguyện đóng góp được, Bộ Tham mưu lại tổ chức đoàn công tác đến thăm tặng quà cho các em học sinh. Năm 2021, Bộ Tham mưu Hải quân đã tặng quà gia đình chính sách và học sinh nghèo vượt khó Trường Phổ thông dân tộc bán trú, Trung học cơ sở, Tiểu học xã Can Hồ, huyện Mường Tè tổng giá trị gần 100 triệu đồng.

Hải Hà (Báo Hải quân Việt Nam)

Chia sẻ bài viết