15/04/2025 - 13:28

Thượng tướng Trần Nam Trung - Nhà lãnh đạo sâu sát chiến trường miền Nam 

 

Thượng tướng Trần Nam Trung (1912-2009) là một trong những nhà lãnh đạo gắn bó xuyên suốt chiến trường miền Nam thời chống Mỹ, có nhiều công lao trong sự nghiệp cách mạng của đất nước. Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục, Chính ủy các Lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Giải phóng miền Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam... Suốt đời gắn bó với chiến trường, Thượng tướng Trần Nam Trung xứng đáng với những phần thưởng cao quý mà Nhà nước trao tặng: Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng.

 

Từ Khởi nghĩa Ba Tơ đến Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thượng tướng Trần Nam Trung tên thật là Trần Khuy, sinh năm 1912 trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Khi mới 15 tuổi ông tham gia Liên đoàn Cộng sản Đảng ở Nghệ An, về sau đổi thành tổ chức An Nam Cộng sản Đảng và hoạt động cách mạng từ đó. Năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 4-1931 bị thực dân Pháp bắt giam. Sau khi ra tù, ông nhanh chóng bắt liên lạc với tổ chức, bí mật xây dựng cơ sở. Ít lâu sau, ông tiếp tục bị địch bắt, kết án 7 năm tù và bị đưa lên giam giữ ở Buôn Ma Thuột. Từ giai đoạn này ông hoạt động với bí danh là Trần Lương.

Bộ trưởng Trần Nam Trung đón Tổng Tư lệnh Fidel Castro thăm Quảng Trị ngày 15-3-1973.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, có 4 cuộc khởi nghĩa tạo khí thế cách mạng trên cả nước là Bắc Sơn, Đô Lương, Ba Tơ, Nam Kỳ. Ba Tơ là huyện miền núi phía Tây Nam Quảng Ngãi, nằm giáp ranh giữa 3 tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum, Bình Định. Ở đây có người Kinh và người dân tộc thiểu số cùng sinh sống, thực dân Pháp dựng đồn sơn phòng và “căng” giam lỏng nhiều tù chính trị.

Năm 1944, thực dân Pháp đưa ông Trần Lương từ nhà lao Buôn Mê Thuột về “căng” an trí Ba Tơ quản thúc. Ông cùng các nhà lãnh đạo chủ chốt Quảng Ngãi đã bí mật xây dựng căn cứ và lực lượng. Đội du kích Ba Tơ lúc đầu ra mắt quần chúng nhân dân với 17 hội viên, 28 súng, sau kết nạp thêm gần 30 người. Tỉnh ủy phân công ông Nguyễn Chánh phụ trách, còn hai ông Phạm Kiệt và Nguyễn Đôn trực tiếp chỉ huy đội du kích.

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Thời cơ thuận lợi đã đến. Ngày 11-3, Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ bùng nổ và thành công nhanh chóng. Chính quyền cách mạng ở châu lỵ này được thành lập. Đội du kích Ba Tơ được xem là tiền thân của các lực lượng vũ trang Khu 5. Sau thắng lợi khởi nghĩa Ba Tơ, ông tham gia lãnh đạo thành công Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Quảng Ngãi và các tỉnh Nam Trung Bộ. Quân Pháp tái xâm lược, ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Nam Trung Bộ, lần lượt được cử giữ trọng trách Ủy viên Xứ ủy Trung Bộ phụ trách quân sự, Chính ủy Liên khu 5, Chính ủy Mặt trận Buôn Hồ - An Khê, Thường vụ Liên khu ủy Liên khu 5. 

Bấy giờ ở Việt Bắc, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh cần một cấp phó phụ giúp chỉ đạo công việc hằng ngày. Được sự đề bạt của tướng Nguyễn Chí Thanh, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương đã điều ông Trần Lương ra làm Phó Chủ nhiệm Thường trực Tổng cục Chính trị từ tháng 4-1952. 

Trong chiến cuộc Đông xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Trần Lương ngoài công tác chính trị quân đội còn nhận trách nhiệm chỉ đạo và trực tiếp về các địa phương vận động nhân dân đóng góp, vận tải lương thực thực phẩm, quân trang quân dụng cung cấp kịp thời cho mặt trận chính Tây Bắc. Ông lặn lội về các địa phương khảo sát, vận động, thuyết phục cán bộ và nhân dân. Ông tổ chức các đoàn vận tải bằng sức người và phương tiện thô sơ vượt hàng trăm cây số đèo núi lên mặt trận. Thắng lợi của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ có công lao không nhỏ về công tác tổ chức, chỉ huy chính trị và hậu cần của ông.

Gầy dựng lại lực lượng ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ thời kỳ đầu khó khăn tổn thất

Hiệp định Geneva đình chiến năm 1954 được ký kết. Đất nước bị chia cắt làm 2 miền. Tình hình miền Nam vô cùng gay go phức tạp. Năm 1955, ông Trần Lương là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, rời Hà Nội trở về chiến trường quen thuộc làm Bí thư Liên khu ủy 5 cho đến cuối năm 1958 để xây dựng lại cơ sở. Bấy giờ, chính quyền Ngô Đình Diệm của Việt Nam Cộng hòa đang tiến hành các chiến dịch truy quét những người Việt Minh kháng chiến khắp miền Nam, gây rất nhiều tổn thất cho cách mạng.

Giữa lúc đó, tình hình cách mạng ở Nam Bộ cũng rất căng thẳng. Năm 1959, với tài năng tổ chức trong những hoàn cảnh khó khăn, ông Trần Lương từ Nam Trung Bộ được trung ương điều vào Đông Nam Bộ tham gia tổ chức xây dựng lại Xứ ủy Nam Bộ thành Trung ương Cục miền Nam để tiến tới lãnh đạo đấu tranh chính trị và vũ trang thống nhất nước nhà. Nhiệm vụ hoàn thành, ông trở ra Bắc công tác, được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng. Ông được phong quân hàm trung tướng vào năm 1961, được phong thượng tướng năm 1971.

Vào tháng 5-1961, sau hơn 1 năm ra Hà Nội, ông Trần Lương lại được Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ vượt Trường Sơn trở vào Nam trong Đoàn Phương Đông 1, do vị tướng Trần Văn Quang làm trưởng đoàn, còn ông là chính ủy. Nhằm giữ bí mật, từ đây ông lấy thêm bí danh Trần Nam Trung. Tháng 10-1961, tại phiên họp đầu tiên của Trung ương Cục miền Nam, ông được bầu làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục, phụ trách quân sự với cương vị Chính ủy các Lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam.

Ông trực tiếp lãnh đạo phong trào du kích và đấu tranh quần chúng, chuẩn bị cho sự ra đời các đơn vị bộ đội chủ lực. Đến năm 1964, sau khi tham gia xây dựng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch, ông được cử làm Phó Chủ tịch phụ trách công tác quân sự, dân vận, binh vận. Đến khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch, ông làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Có một sự kiện mà nhiều người hay nhắc đến, đó là khi Dương Văn Minh lật đổ chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm của Việt Nam Cộng hòa, ông Trần Nam Trung đã trực tiếp chỉ đạo cho ông Dương Thanh Nhựt là cán bộ cách mạng bí mật tiếp xúc với Dương Văn Minh. Ông Dương Thanh Nhựt đã hoàn thành sứ mệnh khi thuyết phục được người anh ruột của mình là Tổng thống Dương Văn Minh phá bỏ hệ thống ấp chiến lược vốn do chính quyền Ngô Đình Diệm dựng lên gây nhiều khó khăn cho cách mạng. Sự chỉ đạo linh hoạt của tướng Trần Nam Trung đã góp phần quan trọng cho kế hoạch binh vận thành công.

Đón tiếp Chủ tịch Fidel Castro thăm đất lửa Quảng Trị

Sinh thời, khi hồi tưởng về sự kiện đón Tổng Tư lệnh Cuba Fidel Castro vào thăm đất lửa Quảng Trị, Thượng tướng Trần Nam Trung nói rằng đây là một trong những kỷ niệm đẹp nhất cuộc đời ông. Cầm những tấm ảnh ông chụp với Fidel đưa cho chúng tôi xem, giọng nói vị tướng hứng khởi tự hào.

Ngày 15-9-1973, sau khi sang thăm làm việc với các nhà lãnh đạo nước ta ở Hà Nội, Chủ tịch Fidel Castro được Thủ tướng Phạm Văn Đồng trực tiếp bí mật đưa lên chuyên cơ mang số hiệu VN 1094 bay vào Đồng Hới, Quảng Bình rồi được một đoàn xe hộ tống dừng lại phía bắc bờ Hiền Lương, đi bộ qua cầu phao tiến sang bờ Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Trần Nam Trung thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đón Chủ tịch Fidel Castro tại Cứ điểm 241 ở Cam Lộ. Các chiến sĩ quân giải phóng bồng súng xếp hàng thẳng tắp nghiêm trang. Tổng Tư lệnh Fidel Castro ôm chầm lấy ông Trần Nam Trung và bước đến trước mặt hàng quân danh dự siết chặt tay từng chiến sĩ.

Một cuộc mít-tinh lớn diễn ra tại Cứ điểm 241 chào mừng Tổng Tư lệnh Fidel Castro và đoàn đại biểu Cuba. Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đông đảo cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng cùng đồng bào Quảng Trị tham dự. Cao lớn và nhanh nhẹn, Tổng Tư lệnh Fidel Castro tiến nhanh về phía quần chúng trong tiếng reo hò vang dậy. Ông xúc động vẫy tay chào đáp lại và mở đầu bài phát biểu bằng một giọng nhỏ nhẹ, chậm rãi: “Chúng tôi đã vượt hơn 20 nghìn cây số để đến đây. Đó là biểu tượng của mối tình hữu nghị, đoàn kết vĩ đại của nhân dân chúng tôi đối với nhân dân Việt Nam. Nhân dân Cuba chúng tôi đã từng ngày dõi theo cuộc đấu tranh quên mình của nhân dân Việt Nam”.

Chủ tịch Fidel Castro là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên và duy nhất thời chiến tranh từ miền Bắc đã vượt qua vĩ tuyến 17. Sinh thời, Thượng tướng Trần Nam Trung từng chia sẻ rằng lúc đó ông rất vui mừng nhưng cũng hết sức căng thẳng, sợ địch bất ngờ bắn tỉa. Bởi đồn của chúng còn chốt khá gần. Chủ tịch Fidel can đảm đến tận các căn cứ quân sự mà quân ta vừa mới chiếm, lắng nghe bộ đội kể chuyện vô hiệu hóa hàng rào điện tử của địch, cùng những chiến công vừa mới lập được. Mỗi lần nghe xong một câu chuyện, Chủ tịch Fidel vui mừng nói: Mỗi chiến thắng của Việt Nam cũng là chiến thắng của nhân dân Cuba.

Chuyến vượt vĩ tuyến 17 của Tổng Tư lệnh Fidel Castro vào lúc cuộc chiến còn ác liệt thật mạo hiểm. Nhưng đã thể hiện sự dũng cảm, tình cảm sâu sắc, một cách “chia lửa” của lãnh tụ Fidel và những người bạn Cuba hết lòng vì Việt Nam. 

Trên chiến trường, ông là Thượng tướng Trần Nam Trung của Quân Giải phóng miền Nam. Trên chính trường, ông là nhà lãnh đạo Trần Lương, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Chính phủ (nay là Thanh tra Chính phủ) giàu kinh nghiệm tổ chức. Còn trong đời thường, ông là một người giản dị, hiền từ, nhân hậu được gọi thân mật là Hai Hậu.

PHAN HOÀNG

Chia sẻ bài viết