09/06/2020 - 05:35

Áp lực gia tăng đối với Indonesia và Malaysia ở Biển Đông 

Trung Quốc lâu nay thường xuyên có các hoạt động gây hấn với Việt Nam và Philippines trên Biển Đông; và thời gian gần đây, Bắc Kinh chọc giận thêm Malaysia, Indonesia tại vùng biển chiến lược trọng yếu này. Vì sao?

Chiến đấu cơ F-16 được Indonesia điều đến quần đảo Natuna khi nổ ra căng thẳng với Trung Quốc. Ảnh: CNN

Giới chuyên gia cho rằng các tàu Trung Quốc hiện đang áp dụng chiến thuật gây hấn ngày càng mạnh bạo, có nguy cơ tạo ra xung đột mới với các nước trong khu vực. Đơn cử như mới đây khi tàu khoan dầu West Capella của Malaysia đang thăm dò tài nguyên ở vùng biển cũng được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, tàu khảo sát của Trung Quốc với sự hộ tống của tàu hải cảnh đã đi vào khu vực và rượt đuổi tàu West Capella. Kuala Lumpur ngay lập tức cho triển khai nhiều tàu hải quân đến khu vực, trong khi các tàu chiến Mỹ đang tập trận chung ở Biển Đông sau đó cũng được điều đến.

Đây không phải lần đầu Trung Quốc có hành động gây hấn tại Biển Đông trong thời gian gần đây. Hồi cuối tháng 12-2019, ít nhất 63 tàu cá và 2 tàu hải cảnh Trung Quốc đã vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở quần đảo Natuna trên Biển Đông, buộc Jakarta điều nhiều tàu, gồm tàu hải quân và chiến đấu cơ F-16, đến Natuna. Đây là sự phô diễn sức mạnh hải quân bất thường của Indonesia. Đích thân Tổng thống Joko Widodo cũng đã tới thăm Natuna.

Trong công hàm do phái đoàn thường trực của Indonesia tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) gửi cho Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres hôm 26-5, Indonesia đã bác bỏ những yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Công hàm nêu rõ: “Indonesia lặp lại rằng yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc thiếu cơ sở pháp lý và đi ngược lại với Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982”. Cái gọi là “đường 9 đoạn” đã bị Tòa Trọng tài Thường trực bác bỏ năm 2016.

Tuy nhiên, Trung Quốc từ năm 2015 đã bồi đắp trái phép các rạn san hô và bãi cạn ở Biển Đông, đồng thời quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo này bằng những đường băng, bến cảng và cơ sở radar. Bắc Kinh còn tạo ra một đội tàu hải cảnh nhằm cho phép các tàu cá có thể được triển khai ở Biển Đông để quấy rối các tàu nước khác trong khu vực.

Greg Polling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), nhận định các đảo nhân tạo phi pháp nói trên trở thành căn cứ trên biển của tàu Trung Quốc, biến Malaysia và Indonesia thành “các quốc gia tiền tuyến” trong bối cảnh cả Kuala Lumpur và Jakarta luôn cố gắng tránh để vấn đề Biển Đông gây tổn hại mối quan hệ với Bắc Kinh. Theo ông Polling, Trung Quốc tăng cường các hành động xâm lấn trên Biển Đông diễn ra trong bối cảnh chịu áp lực lớn từ vấn đề dịch COVID-19. Không chỉ bị thiệt hại kinh tế nặng nề, cách xử lý đại dịch của Bắc Kinh đã gây phản ứng mạnh mẽ của quốc tế. Lo ngại quyền lực quốc tế của mình giảm sút, Trung Quốc thúc đẩy chính sách dân tộc chủ nghĩa và ngoại giao “chiến lang”, trong đó có vấn đề kiểm soát Biển Đông.

TRÍ VĂN (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết