29/03/2019 - 18:54

Áo ngại ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Âu 

Bắc Kinh là “tay chơi địa chính trị’’ chứ không đơn thuần là “đại gia kinh tế’’ - Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl bày tỏ lo ngại về sự thâm nhập của Trung Quốc ở châu Âu, sau khi nước này thành công trong việc đưa Ý tham gia sáng kiến “Vành đai, Con đường”.

Từ trái sang: Chủ tịch EC Juncker, Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Macron và Thủ tướng Merkel. Ảnh: Bloomberg

Nói với nhật báo tài chính Nikkei Asian Review, Ngoại trưởng Kneissl cho biết bà rất quan tâm tới việc Trung Quốc ngày càng khuếch trương ảnh hưởng ở Đông Nam Âu. Thực tế, việc Trung Quốc hào phóng mở hầu bao đã giúp nâng sức ảnh hưởng của họ vượt qua Liên minh châu Âu (EU) tại những nước như Serbia, Montenegro... Nhưng không đơn giản là nhà đầu tư, bà Kneissl tin rằng bản chất các hoạt động của Trung Quốc ở châu Âu là một chiến lược và họ chính là “tay chơi địa chính trị”.

Theo Ngoại trưởng Áo, EU cần nhận thức rủi ro từ Bắc Kinh và có biện pháp đối phó với chiến lược thiết lập vị thế chính trị dựa trên tiềm năng kinh tế. Bà kêu gọi khối này làm nhiều hơn nữa trong nỗ lực gắn kết với các nước vùng Balkan nếu muốn đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc. Vấn đề là ngay trong nội bộ khối 28 quốc gia thành viên, không phải tất cả đều có chung “sự cảnh giác” đối với Bắc Kinh.

Bình luận của Ngoại trưởng Áo được đưa ra sau khi Ý bất chấp lời khuyên của các đồng minh, chính thức tham gia sáng kiến “Vành đai, Con đường”  nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối tuần rồi. Trong khi đó, các lãnh đạo khác của châu Âu đang hướng tới quan hệ tương hỗ, cân bằng hơn với Bắc Kinh qua cuộc họp giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker với ông Tập tại Paris hôm 26-3.  

Chuyên gia cấp cao về châu Á Nicola Casarini cho rằng, đây là lần đầu tiên nhóm lãnh đạo quan trọng nhất EU có cùng tiếng nói trong vấn đề Trung Quốc. Sự “đoàn kết” chưa từng có, theo Tổng thống Macron là nỗ lực nhằm thiết lập định nghĩa chung về trật tự quốc tế mới, được cho để đối phó thách thức mà chủ nghĩa đa phương đang đối mặt. Song, động thái này cũng là thông điệp về cách đối phó Bắc Kinh mà những tiếng nói quan trọng của EU muốn gởi đến Ý và 16 quốc gia Trung–Đông Âu (trong đó có 11 quốc gia thành viên EU) bị cáo buộc giúp Trung Quốc “chia rẽ” liên minh bằng cách tham gia các dự án trong khuôn khổ sáng kiến “Con đường tơ lụa mới”. 

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết