04/03/2018 - 17:47

Áo dài và sức lan tỏa của “Cô Ba Sài Gòn” 

Ít ai nghĩ rằng, chiếc áo dài truyền thống trở lại và có sức sống kỳ diệu như hiện nay. Nhắc đến áo dài, người ta lại nghĩ đến “Cô Ba Sài Gòn” với sức lan tỏa khó cưỡng, không đơn giản là một bộ phim giải trí.

Tái hiện tiệm may “Cô Ba Sài Gòn” tại chương trình “Sắc xuân miệt vườn”. Ảnh: DUY KHÔI

Tái hiện tiệm may “Cô Ba Sài Gòn” tại chương trình “Sắc xuân miệt vườn”. Ảnh: DUY KHÔI

Những ngày này, tại TP Hồ Chí Minh đang diễn ra Lễ hội áo dài lần thứ 5-2018. Với khoảng 1.200 mẫu thiết kế áo dài, do 22 nhà thiết kế danh tiếng như Sỹ Hoàng, Thuận Việt, Thủy Nguyễn, Liên Hương, Việt Hùng… thực hiện sẽ ra mắt công chúng, Lễ hội thu hút sự quan tâm không chỉ của giới thời trang mà rất đông bạn trẻ trong cả nước. 11 nghệ sĩ nổi tiếng cũng sẽ đồng hành với lễ hội trong vai trò Đại sứ áo dài, gồm: hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Kim Xuân, MC Quỳnh Hoa, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, ca sĩ người Mỹ Kyo York, diễn viên Hứa Vĩ Văn, đạo diễn Đức Thịnh, diễn viên Thanh Thúy, giải nhất Duyên dáng áo dài TP Hồ Chí Minh 2017 Nguyễn Thị Thạch Thảo, diễn viên Diễm My 9X.

Có thể nói, hình ảnh những tà áo dài thướt tha trên phố giờ không hiếm, mà lại rất phổ biến, nhất là trong giới trẻ. Sự thành công của nhiều kỳ Lễ hội áo dài vừa qua là minh chứng. Riêng ở Cần Thơ, dịp Tết vừa qua, phong trào trang điểm và mặc áo dài phong cách “Cô Ba Sài Gòn” chụp ảnh ở những sự kiện của thành phố như Sắc xuân miệt vườn, Đường Hoa Xuân, Thư pháp ngày Xuân… là minh chứng cho sự trỗi dậy của áo dài.

Trào lưu xúng xính áo dài may theo phong cách cổ điển hình thành và phát triển mạnh từ khi Ngô Thanh Vân ra mắt dự án phim “Cô Ba Sài Gòn”. Giá trị của tà áo dài truyền thống, với hoa văn, chất liệu, đường cắt may cổ điển được nhìn nhận lại sau thời gian dài bị giới trẻ lãng quên. Sự chuyển tải khéo léo, không giáo điều, khuôn sáo của bộ phim về tà áo dài đã thuyết phục người xem. Vậy là trào lưu sắm đồ “Cô Ba Sài Gòn” lan rộng trong cả nước. Để tiện dụng hơn, nhiều nhà thiết kế cho ra mắt những mẫu áo dài ứng dụng với việc cắt bớt độ dài của tà áo, quần, tay áo; dáng áo rộng rãi, thoải mái hơn cho sinh hoạt thường ngày.

Đã có lúc, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa lo ngại việc giới trẻ sính thời trang ngoại mà lãng quên chiếc áo dài. Nhưng rồi cũng chính các bạn trẻ đã làm thăng hoa trang phục truyền thống của dân tộc. Dĩ nhiên, cũng sẽ có những bàn tán về chuyện cách tân áo dài, may áo dài sao cho đúng bản sắc… Song, điều đó hoàn toàn ở phạm trù thẩm mỹ và cảm quan của mỗi người.

Bài hát “Một thoáng quê hương” có đoạn: “Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố. Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó, em ơi…”. Và kỳ diệu thay, “tâm hồn quê hương” vẫn đang tung bay trên khắp phố phường, vẫn đang làm thổn thức, xuyến xao cho những ai yêu quý mảnh đất và con người Việt Nam.

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết