* Nga cảnh báo phương Tây không nên can thiệp quân sự vào Iran và Syrie
|
Anh đã điều tàu khu trục HMS Daring tới
Vùng Vịnh. Ảnh: PressTV |
Báo The Sun của Anh ngày 26-2 đưa tin, Luân Đôn dự định sẽ gửi hàng trăm binh lính và một tàu ngầm nguyên tử tới khu vực Vùng Vịnh. “Các nhà hoạch định quân sự nước này đã xem xét đến khả năng triển khai kế hoạch trên vào đầu năm nay. Anh có thể sẽ sa vào vũng lầy mới này hay không, chúng tôi vẫn không chắc chắn” - một quan chức giấu tên tiết lộ. Theo tài liệu mà The Sun có được, Anh sẽ lần đầu tiên cử một tiểu đoàn bộ binh đến Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) - đồng minh có thế lực của Anh tại Vùng Vịnh với quan điểm “đó cũng là một sự hỗ trợ công khai mà Anh sẵn sàng bảo vệ UAE nếu bị Iran tấn công”.
The Sun cho biết Hải quân Anh có 7 tàu chiến hiện diện tại Vùng Vịnh ngoài tàu khu trục HMS Daring được trang bị vũ khí tối tân đã có mặt hồi tháng Giêng. Để chuẩn bị cho cuộc chiến, tàu ngầm thứ hai được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk có thể cũng sẽ được điều đến khu vực trên. Vào tháng 11 năm rồi, Anh đã từng lên tiếng sẵn sàng hỗ trợ bất cứ chiến dịch quân sự nào của Mỹ nếu Washington yêu cầu, bất chấp xuất hiện nhiều lo ngại bên trong nội bộ liên minh cầm quyền về khả năng tham chiến của Anh.
Trong một diễn biến khác, hãng tin Anh Reuters hôm 27-2 đã dẫn lời Thủ tướng Nga Vladimir Putin cho biết, Mát-xcơ-va đang lo ngại “mối đe dọa đang gia tăng” về các cuộc tấn công quân sự vào Iran xung quanh chương trình hạt nhân của nước này đã gióng lên hồi chuông báo động tại Nga. “Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu cuộc chiến xảy ra, hậu quả của nó thật thảm khốc. Không thể tưởng tượng nổi quy mô thảm họa thực sự của nó”- Thủ tướng Putin lên tiếng cảnh báo.
Bên cạnh vấn đề Iran, trong một bài viết về chính sách đối ngoại đăng trên tờ báo Nga Moskovskiye Novosti hôm 27-2, vị thủ tướng 60 tuổi này cũng đã lên tiếng cảnh báo phương Tây và các quốc gia A-rập chớ nên can thiệp quân sự vào Syrie, đồng thời ông cũng cáo buộc Washington đã nhúng tay vào tình hình chính trị của Nga và các quốc gia láng giềng với họ. Trong bài viết có đoạn: “Tôi rất hy vọng Mỹ và các quốc gia khác... không nên cố thiết lập một kịch bản quân sự đối với Syrie mà chưa có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”.
THANH DƯƠNG (Theo IANS, Reuters)
EU tăng cường trừng phạt Syrie
Phát biểu với báo giới ngày 27-2 tại Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Anh William Hague cho rằng đối với cộng đồng quốc tế, chính quyền Tổng thống Syrie Bashar Al-Assad không còn “đáng tin cậy”, bởi ngay cả trong ngày 26-2 diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về bản dự thảo hiến pháp mới, các vụ bạo loạn vẫn tiếp diễn, gây thương vong cho nhiều người dân vô tội. Do vậy, Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cần phải tiếp tục gây áp lực đối với Chính quyền Syrie bằng cách thắt chặt các biện pháp trừng phạt mới, kể cả việc phong tỏa tài sản ngân hàng trung ương của nước này.
Ngoài ra, EU còn áp đặt một số biện pháp trừng phạt khác gồm phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh đối với bảy nhân vật thân cận với Tổng thống al-Assad, cấm các chuyến bay chở hàng vào liên minh gồm 27 nước thành viên này và hạn chế buôn bán vàng hay các kim loại quý. Tuy nhiên, một số nước có quan hệ thương mại tích cực với Syrie phản đối việc áp đặt toàn bộ các biện pháp trừng phạt đối với Ngân hàng Trung ương Syrie vì lo ngại động thái này sẽ làm ngưng trệ hoạt động thương mại và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân. EU đã liệt 150 thực thể và cá nhân Syrie vào danh sách đen bị trừng phạt.
(Theo TTXVN) |