23/01/2021 - 09:05

Anh, EU hục hặc vì quy chế ngoại giao 

Việc Anh từ chối cấp quy chế ngoại giao đầy đủ cho Đại sứ của Liên minh châu Âu (EU) Joao Vale de Almeida đang gây ra cuộc tranh cãi nảy lửa giữa đôi bên.

Ông Almeida từng làm đại sứ EU tại Liên Hiệp Quốc và tại Mỹ. Ảnh: Guardian

Ông Almeida từng làm đại sứ EU tại Liên Hiệp Quốc và tại Mỹ. Ảnh: Guardian

Luân Đôn lập luận rằng quy chế ngoại giao đầy đủ chỉ dành cho đại diện ngoại giao của các quốc gia có chủ quyền, còn EU là một tổ chức quốc tế. Quan điểm của Anh là không muốn thiết lập tiền lệ bằng cách đối xử với một cơ quan quốc tế ngang hàng với một quốc gia độc lập. Do vậy, Bộ Ngoại giao nước này khẳng định Đại sứ Almeida cùng đội ngũ của ông ta không nên có các đặc quyền, kể cả quyền miễn trừ giam giữ, truy tố hình sự và đóng thuế dành cho các nhà ngoại giao theo Công ước Vienna. Theo đó, Đại sứ EU cũng sẽ không có cơ hội được trình ủy nhiệm thư lên Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị như các trưởng phái đoàn ngoại giao khác.

Đáp lại, EU cho rằng họ không phải tổ chức quốc tế bởi có tiền tệ riêng, hệ thống tư pháp và quyền ban hành luật. Josep Borrell, Cao ủy EU về đối ngoại rất tức giận, mô tả đề xuất của Luân Đôn là “không thể chấp nhận được”. Ông đã viết thư cho Ngoại trưởng Anh Dominic Raab để bày tỏ “những lo ngại nghiêm trọng”. Vấn đề này sẽ được các ngoại trưởng của khối đem ra thảo luận vào đầu tuần tới, tại cuộc họp đầu tiên kể từ khi giai đoạn chuyển giao hậu Brexit (Anh rời EU) kết thúc vào ngày 31-12-2020. Các nguồn thạo tin tiết lộ ngoại giao dựa trên sự trao đổi lẫn nhau, tức sẽ có hành động “đáp trả” đối với đại sứ Anh tại Brussels.

Quyết định của Anh hoàn toàn trái ngược với 142 quốc gia khác trên thế giới, nơi các đại sứ EU đều được cấp đầy đủ các đặc quyền như những nhà ngoại giao đại diện cho các quốc gia có chủ quyền. Phía Anh được cho là biết rõ điều này nhưng vẫn hành động, nên họ bị nghi là đang tìm cách làm khó EU.

Do đó cũng có thể hiểu tại sao Chính phủ Anh lập tức bị phê phán bởi động thái trên. David Lidington, cựu Bộ trưởng phụ trách vấn đề châu Âu cảnh báo Luân Đôn có thể tạo tiền lệ xấu cho những quốc gia thù ghét các đại sứ EU. Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Anh Tobias Ellwood thì chê quyết định này là “nhỏ nhen”.

Tờ The Times gợi ý rằng dù thích hay không thì Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng nên học cách hợp tác với EU. Chuyện Brexit vẫn chưa hoàn tất, với những vấn đề về hải quan trì hoãn thương mại hai chiều. Lập trường của Anh dường như muốn nhấn mạnh điều mà phe ủng hộ Brexit gọi là “sự giải phóng” khỏi EU.

Thật ra, đây không phải lần đầu tiên EU gặp rắc rối liên quan quy chế ngoại giao. Năm 2019, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump từng hạ quy chế của phái đoàn ngoại giao EU tại Washington, nhưng sau đó nhà lãnh đạo nổi tiếng “không ưa” Brussels này đã đảo ngược quyết định và khôi phục quy chế ngoại giao đầy đủ cho họ. 

HẠNH NGUYÊN (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết