15/08/2011 - 09:44

ANH: Chính phủ và cảnh sát chỉ trích nhau kịch liệt

Thủ tướng Cameron nói chuyện với một lãnh đạo cảnh sát ở Croydon, phía Nam Thủ đô
Luân Đôn. Ảnh: AP

Căng thẳng giữa chính phủ Anh với giới lãnh đạo cảnh sát nước này tiếp tục leo thang sau khi Thủ tướng David Cameron cuối tuần qua thuê William Bratton, từng làm chỉ huy cảnh sát ở các thành phố Boston, New York và Los Angeles của Mỹ tư vấn về cách thức đối phó với các băng nhóm tội phạm và bạo động.

Cảnh sát Anh, mà gay gắt nhất là Chủ tịch Hiệp hội các cảnh sát trưởng Hugh Orde, gọi động thái của ông Cameron là “lầm đường lạc lối” và làm họ bẽ mặt về nghề nghiệp. Ông Orde mỉa mai: “Tôi không chắc rằng tôi muốn học hỏi kinh nghiệm từ một khu vực có tới 400 băng nhóm ở Mỹ”. Ông Orde đề cập tới Los Angeles, nơi ông Bratton làm cảnh sát trưởng cho tới năm 2009. Theo ông Orde, với một thành phố có tới 400 băng nhóm như vậy, thì không thể coi là cảnh sát làm việc hiệu quả. Hơn nữa, mức độ bạo lực ở Mỹ khác với tình hình bạo động ở xứ sương mù. Vì vậy, trước hết ông Cameron nên lắng nghe các chuyên gia của Anh, thay vì tìm cách áp dụng những bài học từ bên kia bờ Đại Tây Dương.

Giới lãnh đạo cảnh sát cho rằng họ đã phản ứng nhanh với tình hình bạo động và bắt giữ hơn 2.100 nghi can, chứ không phải là chậm chạp và rụt rè như lời chủ nhân nhà số 10 Phố Downing nói. Trả lời phỏng vấn báo giới, các nhà lãnh đạo cảnh sát nhấn mạnh rằng Thủ tướng Cameron đang lãng phí khi tìm sự tư vấn từ bên ngoài, trong bối cảnh chính phủ phải thắt lưng buộc bụng và ông Cameron vẫn quyết tâm cắt giảm 20% ngân sách (khoảng 3,2 tỉ USD) dành cho cảnh sát giai đoạn từ nay đến năm 2014 bất chấp nhiều lời khuyên can. Paul Deller, đại diện hơn 30.000 cảnh sát ở Luân Đôn, cho biết khi ông Bratton còn chỉ huy ở New York và Los Angeles, điều đầu tiên ông ấy làm là tăng số cảnh sát trên đường phố, trong khi chính phủ Anh đang muốn làm chuyện ngược lại. Ông Deller cảnh báo rằng kế hoạch cắt giảm ngân sách dành cho cảnh sát có nghĩa là 2.000 nhân viên mất việc ở riêng Luân Đôn và hàng ngàn vị trí khác trên khắp đất nước. Còn Paul McKeever, Chủ tịch Liên đoàn cảnh sát Anh thì nói rằng “16.000 cảnh sát được triển khai trên đường phố Luân Đôn vừa qua chính là số cảnh sát mà ông Cameron muốn cắt giảm”.

Khảo sát chung của 2 tờ báo Sunday Mirror và Independent hôm 14-8 cho thấy 61% người được hỏi nghĩ thủ tướng và các thành viên nội các đã phản ứng quá chậm. Ông Cameron trở về Luân Đôn từ kỳ nghỉ ở Tuscany (Ý) hôm 10-8 khi tình trạng bạo động đã tràn lan. Đa số người được hỏi ủng hộ cảnh sát, kêu gọi hoãn thực hiện kế hoạch cắt giảm ngân sách. 65% cho rằng nên sử dụng quân đội trong trường hợp bạo động, trong khi nhiều người đề nghị cảnh sát nên được phép sử dụng vòi rồng và đạn cao su chống bạo động.

N. MINH (Theo Reuters, AP)

Thủ tướng Cameron nói chuyện với một lãnh đạo cảnh sát ở Croydon, phía Nam Thủ đô Luân Đôn. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết