25/11/2017 - 10:02

Anh bị loại khỏi danh sách ứng viên Thủ đô Văn hóa châu Âu 

Chính giới Anh ngày 23-11 đã vô cùng thất vọng sau khi Liên minh châu Âu (EU) loại xứ sở sương mù khỏi cuộc đua giành danh hiệu Thủ đô Văn hóa châu Âu.

Thành phố Aarhus (Đan Mạch) đã có đêm khai mạc hoành tráng khi đăng cai Thủ đô Văn hóa châu Âu 2017. Ảnh: Telegraph

Theo Telegraph, các thành phố Dundee, Nottingham, Leeds, Milton Keynes cùng với liên danh Belfast, Derry và Strabane đang cạnh tranh để được chọn làm Thủ đô Văn hóa châu Âu năm 2023 (cùng với một thành phố của Hungary). Kế hoạch này được khởi động từ năm 2014 – tức 2 năm trước khi Luân Đôn tổ chức trưng cầu dân ý rời khỏi EU (còn gọi là Brexit). Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng vì Anh sẽ rời khỏi EU vào năm 2019 nên việc họ ứng cử trở thành Thủ đô Văn hóa châu Âu “là không thể xảy ra”. Quyết định này là “một trong những hậu quả thực tế từ Brexit” - EC nói thêm.

Được biết vào năm 1985, bà Melina Mercouri – một nữ diễn viên xinh đẹp và nổi tiếng trước khi trở thành Bộ trưởng Văn hóa Hy Lạp cùng người đồng nhiệm Pháp Jack Lang đã nảy ra ý tưởng thiết lập Thủ đô Văn hóa châu Âu, với mục tiêu đưa các nước cựu lục địa xích lại gần nhau bằng cách nâng cao nhận thức về sự phong phú và đa dạng văn hóa cùng những giá trị lịch sử ở khu vực. Những thành phố được EU chọn làm Thủ đô Văn hóa châu Âu luân phiên hằng năm sẽ là nơi tổ chức các chuỗi sự kiện văn hóa trong vòng 1 năm. Đây là cơ hội để các thành phố tạo ra lợi nhuận về kinh tế, văn hóa, xã hội đồng thời giúp nâng cao và quảng bá hình ảnh ra thế giới.

Đến nay, chỉ có hai thành phố của Anh – Glasgow và Liverpool –từng vinh dự làm Thủ đô Văn hóa châu Âu, lần lượt vào các năm 1990 và 2008. Liverpool ước tính sự kiện này đã đem lại cho nền kinh tế địa phương 750 triệu bảng từ khoản đầu tư ban đầu 170 triệu bảng.

Do vậy, quyết định của Brussels gây phẫn nộ trong các nghị sĩ Anh và các thành phố đã bỏ ra số tiền lớn để đăng ký ứng cử, đặc biệt là khi các thành phố ngoài EU ở các quốc gia như Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ và Iceland lại được chọn. Giải thích điều này, EC cho rằng Iceland và Na Uy có đủ điều kiện tham gia bởi họ là thành viên của Khu vực Kinh tế châu Âu mà Anh sẽ rời khỏi vào ngày 29-3-2019 theo Brexit.

Phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Theresa May cho biết Luân  Đôn không đồng ý với quyết định của EC và đặc biệt thất vọng khi được thông báo về quan điểm mới của họ sau khi các thành phố ở Anh đã hoàn tất hồ sơ ứng cử.

THANH TRÚC (Theo Guardian, Telegraph, NY Times)

Chia sẻ bài viết