08/02/2023 - 08:19

Ấn Ðộ tăng cường sức mạnh tàu sân bay 

HẠNH NGUYÊN (Theo AP)

Ấn Ðộ sắp tái hạ thủy hàng không mẫu hạm INS Vikramaditya sau quá trình đại tu, đánh dấu bước đi quan trọng hướng đến việc hoàn thành kế hoạch triển khai 2 nhóm tác chiến tàu sân bay, trong bối cảnh nước này tìm cách tăng cường sức mạnh hải quân để đối phó Trung Quốc.

Tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Ðộ. Ảnh: idrw.org

Vikramaditya sẽ sớm gia nhập tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Ðộ là INS Vikrant, được hạ thủy hồi tháng 9-2022 và đang trong quá trình thử nghiệm trên biển. Ấn Ðộ có kế hoạch đưa 2 tàu sân bay này đi vào hoạt động đầy đủ trong năm nay.

New Delhi dự định mua 26 tiêm kích mới để trang bị cho tàu Vikrant. F/A-18 của Mỹ và Rafale-M của Pháp là 2 mẫu tiêm kích đang cạnh tranh cho hợp đồng này. Không quân Ấn Ðộ đang vận hành chiến đấu cơ Rafale vốn dễ bảo trì hơn, trong khi F/A-18 có thể mang nhiều tên lửa hơn. Riêng tàu sân bay Vikramaditya sẽ tiếp tục sử dụng tiêm kích MiG-29K do Nga sản xuất. Chiếc Vikramaditya vốn được nâng cấp từ tàu sân bay Ðô đốc Gorshkov mua lại từ Nga năm 2004.

Theo cựu phát ngôn viên Hải quân Ấn Ðộ D.K. Sharma, New Delhi có kế hoạch bố trí 2 tàu sân bay ở 2 bên bờ biển nước này. Ấn Ðộ thường hướng sự tập trung về Pakistan ở phía Tây, nhưng với sự hiện diện của các tàu Trung Quốc tại các tuyến hàng hải quan trọng ở phía Ðông, hải quân quốc gia Nam Á cũng cần phải có mặt tại đây. “New Delhi nhận thấy Bắc Kinh đang tiếp cận phạm vi ảnh hưởng truyền thống của họ, đặc biệt là tại Ấn Ðộ Dương. Sự hiện diện của Trung Quốc tại khu vực này có thể phá vỡ đường dây liên lạc trên biển của Ấn Ðộ. Do vậy, nỗ lực hiện đại hóa gần đây của Hải quân Ấn Ðộ là nhằm đảm bảo những viễn cảnh như thế sẽ không xảy ra”, Ridzwan Rahmat, nhà phân tích tại công ty tình báo quốc phòng Janes, nhận định.

Hải quân Trung Quốc đang mở rộng, hiện đại hóa trong hơn một thập niên qua và hiện là lực lượng hải quân có nhiều chiến hạm nhất thế giới. Vào tháng 6-2022, Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay thứ ba của nước này mang tên Phúc Kiến, được đánh giá là trọng tâm chính trong nỗ lực xây dựng lực lượng “biển xanh” có thể tác chiến xa bờ dài ngày. Song song đó, quân đội Trung Quốc đầu tư mạnh vào công nghệ tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá Trung Quốc sẽ sở hữu năng lực thực hiện “các cuộc tấn công tầm xa chính xác các mục tiêu từ tàu ngầm và tàu chiến mặt nước trong tương lai gần”.

Trung Quốc chưa cử tàu sân bay đến Ấn Ðộ Dương, nhưng có thể sẽ làm vậy trong vài năm tới. Trong khi các tàu khác của Bắc Kinh thường xuyên hoạt động tại Ấn Ðộ Dương, việc Trung Quốc lập căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên (tại Djibouti ở châu Phi) cũng sẽ giúp nước này dễ tiếp cận khu vực.

Trung Quốc đã gióng chuông báo động tại New Delhi hồi tháng 8 năm ngoái khi tàu Viễn Vọng 5 của Bắc Kinh cập cảng Hambantota, miền Nam Sri Lanka. Viễn Vọng 5 được mô tả là tàu nghiên cứu và khảo sát, nhưng truyền thông Ấn Ðộ cho rằng nó là tàu do thám lưỡng dụng có thể được sử dụng để theo dõi không gian và vệ tinh, đồng thời có thể phục vụ hoạt động phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa. Bất chấp sự phản đối từ Ấn Ðộ, cuối cùng tàu Viễn Vọng 5 vẫn cập cảng mà Sri Lanka năm 2017 đã cho Trung Quốc thuê trong vòng 99 năm.

Hải quân Ấn Ðộ đang muốn có thêm một tàu sân bay tự đóng nhưng những lo ngại về chính trị cộng với chi phí quá lớn của việc đóng chiếc Vikrant đã khiến nhiều người hoài nghi kế hoạch trên. Ðược biết, chương trình chế tạo tàu sân bay Vikrant bị chậm tiến độ 6 năm đã đội chi phí lên gấp 6 lần và tới mức 200 tỉ rupee (2,5 tỉ USD). Trong báo cáo ngân sách đề xuất cho tài khóa 2023-2024 vừa được Chính phủ Ấn Ðộ công bố, chi tiêu quốc phòng tăng chưa tới 2%, làm dấy lên hoài nghi về các mức đầu tư lớn vào các tàu sân bay. Thậm chí nếu triển khai kế hoạch, Ấn Ðộ phải mất nhiều năm để xây dựng tàu sân bay thứ ba.

Chia sẻ bài viết