27/09/2022 - 07:00

Ấn Độ - ngôi sao mới trong ngành công nghiệp bán dẫn 

Ấn Độ đang nổi lên như điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt với những tập đoàn điện tử đang rời khỏi Trung Quốc do chính sách “zero COVID-19” nghiêm ngặt của nước này làm gián đoạn hoạt động sản xuất.

Sự dịch chuyển của ngành công nghiệp sản xuất chip

Cuộc đua sản xuất chất bán dẫn đang nóng trên toàn cầu. Ảnh: Reuters

Cuộc đua sản xuất chất bán dẫn đang nóng trên toàn cầu. Ảnh: Reuters

Giữa tháng 9, “gã khổng lồ” điện tử Đài Loan Foxconn ký biên bản ghi nhớ với tập đoàn đa quốc gia trụ sở tại Ấn Độ Vedanta về việc thành lập nhà máy sản xuất màn hình và bán dẫn ở bang Gujarat trong liên doanh đầu tư trị giá 20 tỉ USD. Trước đó, có tin hàng loạt công ty lớn khác như Apple, Samsung và Google cũng đang thực hiện những bước đi nhỏ nhưng chắc chắn với Ấn Độ, sau khi xét thấy tiềm năng về cơ sở sản xuất điện tử mới cùng động lực của thị trường điện thoại thông minh nội địa lớn thứ hai trên thế giới.

Trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, hơn 95% dòng điện thoại iPhone của Apple bán ra trên toàn cầu được sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng tỷ lệ này đang giảm xuống khi nhà “táo cắn dở” dần mở rộng dây chuyền sản xuất iPhone tại quốc gia Nam Á với đối tác gia công chính như Foxconn, Wistron và Pegatron dự kiến ký hợp đồng cùng các tập đoàn Ấn Độ để lắp ráp 5-7% tổng số iPhone bán ra trên toàn cầu vào năm 2022, tăng từ mức 3% trong năm 2021 và dưới 1,5% của năm 2020. Các nhà phân tích của JP Morgan ước tính, Apple có thể tăng tỷ lệ này lên 25% vào năm 2025. Trong khi đó, tập đoàn Hàn Quốc Samsung đã dời đơn vị sản xuất màn hình từ nhà máy ở Trung Quốc sang Ấn Độ hồi năm 2021. Trong xu hướng này, Google cũng mời thầu các nhà sản xuất Ấn Độ để lắp ráp 500.000 đến một triệu chiếc điện thoại thông minh Pixel mà hiện gần như được sản xuất hoàn toàn tại Trung Quốc.

Xét về yếu tố khách quan, các nhà phân tích cho rằng ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn của Ấn Độ hiện thu hút được quan tâm một phần do các công ty toàn cầu đang tìm kiếm lựa chọn thay thế khi họ rút khỏi Trung Quốc. Mặt khác, nguồn cung lao động giá rẻ cùng cơ sở công nghiệp đa dạng là điểm cộng lớn giúp tăng sức cạnh tranh của quốc gia Nam Á. Ngoài ra, sức ép từ căng thẳng chính trị Mỹ - Trung cũng buộc các doanh nghiệp áp dụng chiến lược “China+1” nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ nền kinh tế lớn nhất châu Á sang các nước như Mexico, Ấn Độ.

Mục tiêu đầy tham vọng

Theo giới quan sát, sự dịch chuyển của các ông lớn ngành công nghệ phù hợp tầm nhìn của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về tạo động lực cho ngành bán dẫn trong nước, góp phần giảm nhập khẩu linh kiện điện tử cũng như sản phẩm công nghệ nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc. Tuy Ấn Độ có nhiều đơn vị nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn thuộc sở hữu các công ty hàng đầu thế giới, nhưng họ lại thiếu những cơ sở sản xuất quy mô lớn. Người Ấn cũng không có công ty bản địa nào đứng vào hàng tốp trong lĩnh vực bán dẫn.

Vì vậy, mong muốn lớn nhất của Chính phủ Ấn Độ hiện nay là sản xuất càng nhiều linh kiện điện tử quan trọng trong nước càng tốt, hướng tới vai trò trung tâm sản xuất chip toàn cầu. Theo kế hoạch, New Delhi sẽ mở rộng quy mô sản xuất hàng điện tử trong nước từ 75 tỉ USD hiện nay lên 300 tỉ USD vào năm 2026; đồng thời tăng cường xuất khẩu hàng điện tử hàng năm từ 16 tỉ USD hiện tại lên 120 tỉ USD.

Trong nỗ lực hiện thực hóa tham vọng này, chính quyền Thủ tướng Modi đang đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ thu hút các công ty lớn của nước ngoài. Cụ thể, vào cuối năm ngoái, Ấn Độ công bố kế hoạch hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn trị giá 10 tỉ USD nhằm định vị quốc gia như một trung tâm toàn cầu về thiết kế và sản xuất điện tử. Tuần rồi, New Delhi tiếp tục thông báo sẽ tài trợ 50% chi phí dự án cho một loạt các nhà máy chế tạo chất bán dẫn. Hỗ trợ tài chính đối với ngành bán dẫn hỗn hợp, bao bì và các cơ sở bán dẫn khác cũng được nâng từ 30% lên 50%.

MAI QUYÊN (Theo CNBC, Straits Times)

Chia sẻ bài viết