12/03/2016 - 20:06

Ấn Độ mở cửa trên đảo chiến lược cho Nhật Bản

Trang Thời báo New York hôm 11-3 cho biết Ấn Độ và Nhật Bản đang đàm phán một dự án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng dân sự trên quần đảo Andaman và Nicobar – một trong những khu vực có vị thế địa chính trị quan trọng ngăn tham vọng quân sự của Trung Quốc trên vành đai Ấn Độ Dương.

Ấn Độ thay đổi sách lược dài hạn

Thông tin sơ bộ từ trang Thời báo New York cho biết, dự án đầu tiên mà Nhật Bản đang thảo luận với chính quyền Thủ tướng Narendra Modi là kế hoạch xây dựng nhà máy điện diesel 15-megawatt trên đảo Nam Andaman. Công trình có thể bắt đầu từ tháng 4-2016. Kế hoạch này đã đệ trình lên Chính phủ Nhật Bản hơn một năm sau chuyến thăm của Đại sứ Nhật Bản đến cảng Blair trên đảo Nam Andaman. Bộ trưởng các vấn đề kinh tế tại Đại sứ quán Nhật Bản Akio Isomata nói thêm, Tokyo sẽ xem xét "những yêu cầu khác" trên chuỗi đảo Andaman và Nicobar, kể cả những nơi liên quan với mong muốn thông qua gói đầu tư để tăng cường quan hệ hợp tác của Ấn Độ với thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hay Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC).

Khu cảng do quân đội Ấn Độ kiểm soát ở chuỗi đảo Andaman và Nicobar. Ảnh: Indian Defence Review

Mặc dù kế hoạch xây dựng nhà máy điện không thuộc quy mô và giá trị lớn, nhưng giới phân tích cho rằng đây là dấu hiệu chuyển biến trong chính sách dài hạn của Ấn Độ, vốn không chấp nhận các đề nghị đầu tư nước ngoài tại những khu vực nhạy cảm và mang tính chiến lược. Theo một quan chức cấp cao Ấn Độ, New Delhi đã có ý định phát triển các khu vực biên giới và mở cửa đầu tư cho Nhật Bản là một trong bước đi có ý nghĩa quan trọng. Hiện Tokyo cũng đang tài trợ dự án xây dựng đường bộ trị giá 744 triệu USD tại vùng biên giới Đông Bắc Ấn Độ gồm Mizoram, Assam và Meghalaya. Đây cũng là vùng chiến lược nhưng tương đối kém phát triển do tách biệt với phần còn lại của Ấn Độ.

Trên khía cạnh quân sự, hai bên thường xuyên tổ chức tập trận hải quân song phương (JIMEX) từ năm 2012 và Ấn Độ còn mở rộng quy chế tập trận thường niên song phương Malabar Ấn - Mỹ thành 3 bên khi mời Nhật Bản tham gia với tư cách thành viên thường trực từ năm ngoái.

Theo giới phân tích, chính hành vi ngày càng ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông cùng những tham vọng theo đuổi cơ sở hạ tầng dọc duyên hải Ấn Độ Dương đã phần nào thúc đẩy New Delhi và Tokyo xích lại gần nhau. Chiến lược này phù hợp với xu hướng của Thủ tướng Modi nhằm mở rộng quan hệ hợp tác với Mỹ, Úc, Nhật Bản và nhiều nước khác trong khu vực trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh ở vành đai Ấn Độ Dương

Về mặt địa lý, quần đảo Andaman và Nicobar được tạo thành từ 572 hòn đảo nhưng phần lớn đều không có người ở. Chuỗi đảo nằm trong vịnh Bengal và kéo dài khoảng 756km từ Bắc tới Nam. Đây không chỉ là tiền đồn quan trọng do kiểm soát những điểm chính trên tuyến hàng hải quan trọng của Eo biển Malacca – một trong những lỗ hổng hàng hải lớn nhất của Trung Quốc, mà còn là cơ sở lý tưởng để giám sát hoạt động hải quân tại vùng nối Biển Đông và Ấn Độ Dương.

Với vị thế này, quần đảo Andaman và Nicobar có ý nghĩa địa chính trị quan trọng đối với Ấn Độ - đặc biệt trước sự mở rộng ảnh hưởng của hải quân Trung Quốc trong khu vực. Hồi năm 2014, giới chức quân sự cấp cao Ấn Độ từng lên tiếng quan ngại về sự hiện diện của tàu ngầm Trung Quốc trên Ấn Độ Dương.

Đến tháng 1-2016, New Delhi cho biết sẽ triển khai máy bay không người lái và máy bay săn ngầm P-8I Poseidon đến chuỗi đảo Andaman và Nicobar để đối phó việc tàu Trung Quốc xuất hiện nhiều lần ở Ấn Độ Dương. Một số báo cáo gần đây còn cho biết, Mỹ và Ấn Độ đang tiến gần đến thỏa thuận hợp tác dịch vụ hậu cần hàng hải, cho phép tàu Mỹ dừng chân trên quần đảo Andaman và Nicobar. Nếu vậy, vai trò và vị thế của chuỗi đảo này đối với diện mạo của hải quân châu Á sẽ càng rõ ràng hơn trong những năm tới.

MAI QUYÊN (Theo NYT, Diplomat)

Chia sẻ bài viết