11/04/2021 - 07:54

Alibaba chịu mức phạt kỷ lục 

Ngày 10-4, Cơ quan quản lý nhà nước về quy chế thị trường của Trung Quốc (SAMR) đã quyết định áp đặt hình phạt hành chính đối với tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới Alibaba của nước này, do hành vi độc quyền khi triển khai một “thỏa thuận giao dịch độc quyền”.

Nhà đồng sáng lập Alibaba Jack Ma. Ảnh: Getty Images

Thách thức lợi ích tài chính quốc gia

Theo Tân Hoa xã, cơ quan trên đã yêu cầu tập đoàn Alibaba ngừng ngay các hoạt động bất hợp pháp và phải trả 18,228 tỉ Nhân dân tệ (khoảng 2,79 tỉ USD) tiền  phạt. Mức phạt này tương đương 4% trong tổng doanh thu 455,7 tỉ Nhân dân tệ của Alibaba tại thị trường Trung Quốc hồi năm 2019. Mức phạt này cũng tương đương khoảng 12% thuế thu nhập ròng năm tài chính 2020 của Alibaba.

 Ðây là mức phạt chống độc quyền cao nhất được áp đặt từ trước đến nay tại quốc gia đông dân nhất hành tinh. Năm 2015, nhà chức trách Trung Quốc phạt  Qualcomm, hãng sản xuất chip cho điện thoại thông minh của Mỹ, với số tiền kỷ lục 975 triệu USD, làm dấy lên những lo ngại cho các công ty nước ngoài trong làn sóng chống độc quyền tại Trung Quốc. Năm 2014, Bắc Kinh tuyên phạt 492 triệu USD dành cho GlaxoSmithKline, công ty dược phẩm Anh, trong một vụ hối lộ.

Trong khi đó, từ cuối tháng 10-2020, Alibaba bắt đầu rơi vào tầm ngắm của các nhà chức trách Trung Quốc sau phát ngôn chỉ trích hệ thống quản lý tài chính nước này của người đồng sáng lập Jack Ma (Mã Vân). Cuối tháng 12, lực lượng chức năng Trung Quốc mở cuộc điều tra đế chế thương mại khổng lồ này liên quan đến quy định buộc các nhà bán lẻ, nếu muốn bán hàng trên các nền tảng của hãng này, phải ký cam kết không đưa sản phẩm của họ lên các nền tảng mua sắm trực tuyến khác ở Trung Quốc.  Ðặc biệt, cuộc điều tra bắt đầu sau khi nhà chức trách Trung Quốc đình chỉ thương vụ niêm yết lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant Group - công ty tài chính liên kết của Alibaba. IPO của Ant khi đó được kỳ vọng mang về 37 tỉ USD, là thương vụ niêm yết công nghệ lớn nhất lịch sử.

Ant Group trong những năm qua được cho đã gây ra tình trạng hỗn loạn thị trường vay vốn và làm phá sản nhiều người vay nợ khi công ty tài chính này lấn sân trong lĩnh vực cho vay trực tuyến, quản lý tài sản và các sản phẩm bảo hiểm khác.  Sức mạnh của Ant Group cùng những lời chỉ trích hiếm hoi của Jack Ma nhằm vào cơ quan quản lý tài chính được đánh giá là một thách thức đối với các lợi ích trong lĩnh vực tài chính do nhà nước nắm quyền chi phối tại Trung Quốc.

Cuộc chiến chưa hồi kết?

Không chỉ Alibaba, nhiều hãng công nghệ hàng đầu của Trung Quốc đang đối mặt với sức ép trong bối cảnh ngày càng gia tăng mối quan ngại về tầm ảnh hưởng của những công ty này tại Trung Quốc. Nhà sáng lập Alibaba thậm chí được tôn kính như người đứng đầu một giáo phái. Hàng trăm triệu người tiêu dùng mộ điệu công nghệ Trung Quốc đang sử dụng các nền tảng công nghệ đó để giao tiếp, mua sắm, thanh toán, đặt taxi, vay tiền và thực hiện một loạt công việc hằng ngày khác.

Ngoài mức phạt tiền chưa từng có trên, SAMR yêu cầu tập đoàn có trụ sở tại thành phố Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang phải có những “cải cách toàn diện”, bao gồm kiểm soát nội bộ, cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ quyền của người tiêu dùng và không chèn ép các doanh nghiệp khác trên nền tảng trực tuyến của họ. Alibaba sẽ phải báo cáo sự tự điều chỉnh của mình trong 3 năm liên tiếp.

Trong phản ứng đầu tiên, tập đoàn lớn thứ hai Trung Quốc tuyên bố sẽ chấp nhận mức phạt một cách chân thành và quyết tâm tuân thủ phán quyết. “Ðể thực hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội, Alibaba sẽ hoạt động theo luật pháp một cách thận trọng nhất, tiếp tục củng cố hệ thống tuân thủ và xây dựng sự phát triển thông qua sáng tạo”, Alibaba nhấn mạnh trong tuyên bố ngày 10-4.

Có ý kiến cho rằng mức phạt kỷ lục trên là cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống độc quyền đem lại sức sáng tạo cho các doanh nghiệp mới giữa lúc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt với chính sách kiềm chế ngày càng gay gắt của Mỹ. Tuy nhiên, cũng có nhận xét mức phạt trên là cái giá quá nhỏ mà Alibaba phải trả và chưa rõ nhà chức trách Trung Quốc sẽ có thêm những hành động mới nào nhằm vào sức mạnh của tập đoàn này nữa hay không.

Có thông tin nói rằng các nhà quản lý Trung Quốc vẫn lo ngại về khả năng của Alibaba tiếp tục gây ảnh hưởng đến dư luận và muốn tập đoàn này bán một số tài sản truyền thông, bao gồm tờ South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng), nhật báo tiếng Anh hàng đầu của Hong Kong.

ÐỨC TRUNG (Theo TTXVN, Bloomberg, Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết