24/01/2011 - 14:13

Albanie không là Tunisie

Cuộc biểu tình bạo lực của hàng ngàn người chống chính phủ ở Thủ đô Tirana của Albanie tối 21-1 được coi là đỉnh điểm của làn sóng chống chính quyền của Thủ tướng Sali Berisha. Cuộc biểu tình này do phe Xã hội đối lập của thị trưởng thành phố Tirana, ông Edi Rama, phát động từ sau kết quả cuộc tổng tuyển cử gây tranh cãi hồi tháng 6-2009.

Thủ tướng Berisha tố cáo phe đối lập muốn sử dụng bạo lực để tiếm quyền như kiểu Tunisie và cảnh báo những kẻ gây bất ổn sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Các nhà quan sát cũng cho rằng Albanie sẽ không dễ lâm vào dòng xoáy khủng hoảng chính trị nghiêm trọng vì nước này là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu và là ứng cử viên tiềm năng gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Khác với trường hợp của Tunisie, giới ngoại giao Mỹ và phương Tây đang yêu cầu các phe phái chính trị ở Albanie phải bình tĩnh và thỏa hiệp. Theo đại sứ Mỹ tại Tirana Alexander Arvizu, bạo lực ở Albanie là “không cần thiết và có thể tránh khỏi”, rằng đây là lúc các bên nên ngồi lại với nhau, bắt đầu tiến trình đàm phán xóa bỏ những bất đồng vì lợi ích của toàn thể nhân dân Albanie. “Không có kẻ thắng mà chỉ có người thua trong tình hình căng thẳng chính trị hiện nay ở Albanie”, ông Arvizu tuyên bố.

Tuy nhiên, do cuộc biểu chống chính phủ Albanie trở nên quyết liệt sau cái chết của 3 người tham gia, cảnh sát đã sử dụng nhiều biện pháp mạnh để giải tán đám đông và hàng trăm người quá khích bị bắt giữ. Thủ lĩnh đảng Xã hội Edi Rama cáo buộc Thủ tướng Berisha là người đạo diễn vụ tắm máu tối 21-1 và tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc chiến đòi ông này từ chức để sớm tiến hành cuộc tổng tuyển cử mới, thay vì đợi đến năm 2013.

Cần nói thêm, đảng Xã hội đã từ chối chấp nhận kết quả cuộc tổng tuyển cử năm 2009 với thắng lợi sát nút của đảng Dân chủ cầm quyền và giúp ông Berisha tái cử nhiệm kỳ 4 năm vì cho rằng có sự gian lận. Phe đối lập cũng tố cáo chính quyền Berisha tham nhũng, một trong những lý do mà EU không thông qua quy chế ứng cử viên chính thức cho Albanie. Vụ việc càng trở nên tồi tệ hơn khi mới đây Phó Thủ Tướng Ilir Meta bị buộc phải từ chức vì có bằng chứng cho thấy ông dùng ảnh hưởng để chi phối một cuộc đấu thầu xây dựng nhà máy điện ở Albanie.

Vấn đề của Albanie hiện nay xem ra có vài nét giống với một số điểm nóng trên thế giới, nhưng nước này là đồng minh của Mỹ và phương Tây nên không bị “đổ thêm dầu vào lửa” như ở Tunisie.

PHÚC KIẾN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết