15/09/2019 - 13:45

Al-Qaeda trở lại? 

Nhiều chuyên gia chống khủng bố hàng đầu tại hội nghị quốc tế về chủ nghĩa khủng bố ở Israel mới đây cảnh báo, al-Qaeda đang trở lại với một lượng lớn tín đồ trên toàn thế giới và có thể tạo ra mối đe dọa khủng bố nghiêm trọng trên mạng.

Một tay súng cầm cờ al-Qaeda. Ảnh: JPost

Một tay súng cầm cờ al-Qaeda. Ảnh: JPost

Trong đa số các bài phát biểu tại hội nghị, các chuyên gia nhiều lần nhấn mạnh mối đe dọa từ al-Qaeda, cho rằng lực lượng này đã vượt mặt tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) trở thành mối đe dọa khủng bố số 1 toàn cầu. Jay Tabb, trợ lý giám đốc bộ phận an ninh quốc gia của Cục Điều tra Liên bang Mỹ tại hội nghị tiết lộ, al-Qaeda và các chi nhánh của chúng hiện có 20.000 tín đồ. Và sau khi IS đại bại ở Syria và Iraq, al-Qaeda ngày càng trỗi dậy.

Còn Trung tướng Vincent Stewart, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, bày tỏ lo ngại việc các nước phương Tây đánh giá thấp mối nguy hiểm từ những vụ khủng bố trên mạng của al-Qaeda cũng như IS, cho rằng không giống như những cuộc tấn công mạng từ Nga, Trung Quốc, Iran hay CHDCND Triều Tiên, hành động của al-Qaeda cho đến nay chỉ với quy mô nhỏ. Trung tướng Stewart nhận định al-Qaeda rất nguy hiểm, chúng thuê tin tặc hoặc mua vũ khí trên mạng, có khả năng đánh sập toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng của một nước chỉ với một cú click chuột.

Trong khi đó, Wil Van Gemert, phó giám đốc Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) quan ngại al-Qaeda và IS sẽ tạo ra một mạng lưới trực tuyến để theo đuổi mục đích của chúng. Michele Coninsx, giám đốc điều hành Ủy ban Chống khủng bố thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thì cảnh báo các tay súng nước ngoài từng chiến đấu cho IS đang quay về phương Tây có thể tạo ra mối đe dọa lâu dài.

Nguy hiểm hơn bao giờ hết

Hiện al-Qaeda được cho đang chuẩn bị thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào phương Tây. Theo đó, chúng liên tục tăng cường sức mạnh, khả năng và tầm ảnh hưởng. Kể từ khi trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt ở Pakistan hồi năm 2011, al-Qaeda tương đối im lặng và có chiến lược tránh các cuộc tấn công quy mô lớn, đặc biệt là không tấn công các mục tiêu ở phương Tây. Thay vào đó, chúng âm thầm và kiên nhẫn gầy dựng lại nguồn lực để tiếp tục cuộc đấu tranh mà bin Laden khởi xướng cách đây hơn 2 thập kỷ. Thủ lĩnh hiện tại của al-Qaeda là Ayman al-Zawahiri cho biết, trọng tâm của lực lượng này là tấn công Mỹ, nơi chúng gọi là “đầu rắn” và là “kẻ thù đầu tiên của người Hồi giáo trên toàn cầu”. Mục tiêu cuối cùng của al-Qaeda là thành lập một “đế chế” trải dài từ thành phố Jerusalem (Israel-Palestine) đến Tây Ban Nha, tương tự như tham vọng của IS. Tuy nhiên, trong khi IS đang bị liên quân do Mỹ dẫn đầu truy quét và mất dần lãnh thổ, al-Qaeda âm thầm củng cố mạng lưới các chi nhánh trên khắp thế giới. “Al-Qaeda khao khát lấp đầy khoảng trống mà sự thất bại của IS tạo ra” - Bruce Hoffman, giáo sư nghiên cứu về khủng bố toàn cầu tại Đại học Georgetown (Mỹ), nhận định. Giáo sư Hoffman ước tính, al-Qaeda hiện có mặt ở ít nhất 20 quốc gia, chúng đang xây dựng lực lượng tại địa phương với hy vọng cuối cùng là sẽ hồi sinh khả năng khủng bố quốc tế của chúng.

Giới phân tích lo ngại al-Qaeda đang chuyển trọng tâm trở lại phương Tây sau một thời gian dài không “để mắt” tới khu vực. Hồi tháng 6, cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt giữ 10 người đàn ông vì tội chuyển tiền cho các nhóm có liên quan tới al-Qaeda ở Syria. Còn hồi năm ngoái, Bộ trưởng An ninh Anh Ben Wallace cảnh báo al-Qaeda đang phát triển công nghệ để hạ máy bay và nhắm mục tiêu các sân bay xứ sương mù.

TRÍ VĂN (Theo JPost, ABC)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Al-Qaeda