01/04/2009 - 10:36

Afghanistan, cầu nối cho quan hệ Mỹ - Iran?

 Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (trái) và Ngoại trưởng Hà Lan Maxime Verhagen tại hội nghị ngày 31-3. Ảnh: News

Hôm qua 31-3, hội nghị cấp cao về viện trợ cho Afghanistan diễn ra tại La Haye (Hà Lan), với sự tham gia của đại diện khoảng 80 nước và tổ chức quốc tế. Theo Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, phần lớn các chương trình viện trợ phát triển ở Afghanistan thất bại, với nhiều chương trình không hoạt động. Giải pháp mới của Washington cho vấn đề này là phải “theo dõi từng đồng viện trợ được chi như thế nào, đi vào đâu và nỗ lực giám sát kết quả”.

Mục đích của hội nghị là tranh thủ sự hỗ trợ của các nước cho Afghanistan, trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào ngày 22-8 tới. Giới chức Mỹ còn xem đây là cơ hội để tăng cường sự ủng hộ của quốc tế đối với chính sách của họ ở khu vực. Do đó, trong gói 220 triệu USD mà LHQ đề nghị viện trợ cho Afghanistan để tiến hành cuộc bầu cử “công bằng và an toàn”, Washington cam kết đóng góp tới 40 triệu USD.

Một trong những sự kiện gây chú ý tại hội nghị La Haye là việc Iran cử Thứ trưởng Ngoại giao Medhi Akhundzadeh tới tham dự. Tuy bà Clinton cho biết không tiếp xúc hoặc thậm chí nói về Iran trong bài phát biểu tại hội nghị, nhưng động thái này đánh dấu một trong những cuộc gặp ngoại giao cấp cao nhất giữa Mỹ và Iran kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979. Thật ra, Washington và Tehran từng hợp tác với nhau ngay sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ, nhưng sớm “chia tay” khi cựu Tổng thống George Bush xếp Iran vào “trục ma quỷ” hồi năm 2002. Tân Tổng thống Barack Obama nhiều lần nói rằng ông muốn hai nước nối lại đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran, cũng như nhờ Tehran giúp ổn định các điểm nóng trên thế giới như Afghanistan, Iraq và Liban. Chính quyền ông Obama hy vọng Afghanistan có thể một lần nữa trở thành cầu nối giữa hai nước.

Một trong những thay đổi đầu tiên trong chiến lược của chính quyền ông Obama đối với thế giới Hồi giáo là quyết định hủy bỏ khái niệm “cuộc chiến chống khủng bố” của người tiền nhiệm Bush. Chính quyền ông Bush sử dụng khái niệm này để biện hộ cho hành động xâm lược Iraq, cũng như việc mở các nhà tù giam giữ “nghi can khủng bố” tại Guantanamo và một số nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, trên bình diện quốc tế, khái niệm này được hiểu là “đứng về phía Mỹ hoặc chống lại Mỹ”. Nó bị chỉ trích là quá phụ thuộc vào sức mạnh quân sự trong khi nhiều người Hồi giáo cho rằng đây là cuộc chiến mà Mỹ phát động để chống đạo Hồi.

Tuy nhiên, Iran phản ứng cẩn trọng trước những đề nghị của Mỹ. Việc Tehran đưa Thứ trưởng Akhundzadeh tới La Haye, chứ không phải Ngoại trưởng Manouchechr Mottaki cho thấy điều đó.

N.MINH (Theo Bloomberg, AFP, Reuters)

Chia sẻ bài viết