Bạo lực tại Afghanistan đang ở mức cao kỷ lục với số thương vong của dân thường ngày một tăng và các cuộc tấn công khủng bố lan rộng tới cả những khu vực từng được xem là an toàn. Trong bản báo cáo của Cơ quan điều phối cứu trợ Afghanistan (ACBAR) công bố trên tờ Independent hôm 1-8, ACBAR (gồm 100 tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Afghanistan) phàn nàn rằng tình hình an ninh hiện nay ở nước này tệ hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến lật đổ chế độ Taliban năm 2001.
Trong nỗ lực tăng cường an ninh và mở đường cho việc tái thiết, gần 53.000 binh sĩ thuộc Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc gia (ISAF) do NATO dẫn đầu đang được triển khai khắp Afghanistan. Tuy nhiên, báo cáo trên cho rằng đa phần binh sĩ ISAF chỉ quan tâm đến việc tái thiết và phát triển, còn nhiệm vụ chống nổi dậy được xem là thứ yếu. Từ đầu năm tới nay, số vụ tấn công nổi dậy, đánh bom và các hoạt động bạo lực khác tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trong tháng 5 là 463 vụ, tháng 6 là 569 vụ và tháng 7 cao hơn bất kỳ tháng nào khác từ trước đến nay với 260 thường dân thiệt mạng. Tổng số người thiệt mạng trong các cuộc xung đột từ đầu năm đến nay lên tới 2.500 người, trong đó có khoảng 1.000 dân thường.
|
Nhân viên an ninh cứu hộ các nạn nhân trong vụ đánh bom Đại sứ quán Ấn Độ ngày 7-7. Ảnh: AFP |
Aleem Sidique, phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc tại Afghanistan, cho biết thách thức đối với hoạt động nhân đạo ở Afghanistan ngày càng lớn. Trong 6 tháng đầu năm nay, các nhóm tội phạm tấn công 12 đoàn viện trợ nhân đạo của LHQ, làm 19 nhân viên thiệt mạng, cao hơn con số của cả năm ngoái.
Thừa nhận bạo lực gia tăng, nhưng người phát ngôn ISAF Mark Laity cố ngụy biện rằng đó chỉ là “xu hướng tạm thời”. Tuy nhiên, ông Laity không thể che giấu thực tế bất ổn ở Afghanistan. Ngày 31-7, một vụ nổ bom xảy ra bên ngoài Lãnh sự quán Pakistan ở tỉnh Herat làm một cảnh vệ và 2 người dân bị thương. Thượng tuần tháng 7, Thủ đô Kabul từng rúng động vì vụ đánh bom tự sát nhằm vào Đại sứ quán Ấn Độ cướp đi sinh mạng của 41 người và làm bị thương 140 người khác. Bản thân Tổng thống Hamid Karzai cũng từng thoát chết trong các vụ ám sát của phiến quân Taliban. Nhưng có lẽ táo bạo nhất là cuộc tấn công giải thoát 400 tay súng Taliban khỏi nhà tù Sarposa ở tỉnh Kandahar hồi tháng 6.
Ngoài binh sĩ ISAF, quân đội Afghanistan hiện có khoảng 70.000 quân. Nhưng theo học thuyết chống nổi dậy của Mỹ, Afghanistan cần ít nhất 400.000 quân mới có cơ may giành thắng lợi trong cuộc chiến này. Washington đang xem xét kế hoạch rút quân ở Iraq để chi viện cho chiến trường Afghanistan, nhưng con số tăng thêm 10.000 quân xem ra chẳng thấm vào đâu. Theo kết quả cuộc khảo sát dư luận Afghanistan mới đây, mặc dù đa số người dân không thích Taliban, nhưng có tới 74% muốn thương lượng và 54% ủng hộ chính phủ liên hiệp với Taliban. Chỉ có 40% cho là chính quyền ông Karzai và đồng minh sẽ giành thắng lợi trong cuộc chiến này so với tỷ lệ 49% giành cho Taliban.
Thực tế chiến trường cho thấy ISAF và quân đội của chính quyền ông Karzai dường như không còn kiểm soát được tình hình an ninh của nước này. Afghanistan đang đứng bên bờ vực rối loạn nguy hiểm khôn lường!
N.MINH (Theo Independent, ABC, THX)