Trong nỗ lực kích thích tiêu dùng nhằm vực dậy nền kinh tế sau cơn khủng hoảng, năm ngoái, Chính phủ Mỹ quyết định trích 13 tỉ USD trong gói kích cầu 787 tỉ USD để hỗ trợ 52 triệu người thuộc diện hưởng trợ cấp khó khăn. Theo đó, mỗi người được nhận 250 USD. Tuy nhiên, theo báo cáo kiểm toán mới công bố của Cục An sinh xã hội Mỹ, khoản trợ cấp này cũng được rót cho cả những người đã về bên kia thế giới và những đối tượng đang “xé lịch” trong trại giam. Cụ thể, hơn 18 triệu USD đã vào tài khoản của 72.000 người đã khuất và 4,3 triệu USD đã vào tay của hơn 17.000 phạm nhân.
Ông Mark Lassiter, phát ngôn viên Cục An sinh xã hội, cho rằng việc 22,3 triệu USD được chi sai đối tượng là không thể chấp nhận được. Theo báo cáo, những phạm nhận đã được trả trợ cấp thật ra thuộc diện hoặc không đủ tiêu chuẩn được nhận hoặc chỉ có thể được nhận sau khi mãn hạn tù. Trong khi đó, sở dĩ có chuyện người chết được hưởng trợ cấp là do sơ suất về mặt giấy tờ vì các địa phương không cập nhật thông tin báo tử của người dân. Điều đáng nói là hiện nay, luật pháp Mỹ chưa có điều khoản nào cho phép chính phủ truy thu tiền đã chi cho những người ở nơi chín suối.
Tuy số tiền thất thoát trên tương đối nhỏ so với gói kích cầu 787 tỉ USD nhưng sơ suất đó ít nhiều đã ảnh hưởng đến uy tín của Tổng thống Obama và đảng Dân chủ trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. Bởi đây không phải là lần đầu tiên tiền kích cầu được chi không đúng đối tượng. Tháng 8 năm ngoái, phe Cộng hòa đã chỉ trích Nhà Trắng sau khi báo Boston Herald phát hiện xấp xỉ 1 triệu USD từ gói kích cầu đã được chuyển cho gần 4.000 tội phạm bị kết án sát nhân và cưỡng hiếp trên khắp cả nước.
Tại Hy Lạp, quốc gia châu Âu vẫn còn đang ngập mình trong cơn khủng hoảng nợ, cách đây 2 tháng, người dân nước này một phen bị sốc khi Bộ Lao động thừa nhận một sự thật mà theo Thứ trưởng George Koutroumanis là “không thể tin được”. Đó là nhiều năm qua, mỗi năm chính phủ nước này đã lãng phí hàng triệu euro để trả lương hưu cho người ở “cõi trên”. Theo Bộ Lao động Hy Lạp, cơ quan này đã và đang chi trả lương hưu cho khoảng 500 người trên 110 tuổi nhưng gần đây mới phát hiện hơn 320 người trong số đó đã “ra đi” từ nhiều năm trước.
“Chúng tôi phát hiện một trường hợp nhận lương hưu thực tế đã qua đời năm 1999. Ngoài ra, nhiều khoản lương hưu đã bị rút dù đối tượng hưởng đã trở thành người thiên cổ cách đây 7-8 năm”, Thứ trưởng Lao động Koutroumanis nói với báo chí. Ông nói thêm có không ít trường hợp, lương hưu vẫn còn y nguyên trong tài khoản ngân hàng suốt nhiều năm qua. Bộ Lao động Hy Lạp ước tính nếu giải quyết tận gốc nạn “ăn cắp” lương hưu, mỗi năm ngân sách nước này có thể tiết kiệm 80-100 triệu euro.
Còn ở Nhật Bản, tháng 9 vừa qua, Bộ Tư pháp nước này công bố kết quả điều tra dân số người cao tuổi trên toàn quốc gây chấn động dư luận, theo đó hơn 234.000 cụ già trong độ tuổi 100 trở lên, mà theo sổ sách theo dõi của địa phương là đang sống khỏe, thực tế đang mất tích và có lẽ đã chết, một số trường hợp đã qua đời từ lâu. Đáng chú ý trong số này, khoảng 77.000 cư dân mất tích nằm trong hồ sơ lưu ở địa phương thuộc độ tuổi ít nhất 120 và 884 người đạt 150 tuổi hoặc hơn (?!).
Sự thật trên có lẽ sẽ không được phơi bày nếu như tháng 7 vừa qua, nhà chức trách ở Tokyo không đến tận nhà mừng đại thọ cho cụ ông Sogen Kato 111 tuổi nhưng không tìm thấy cư dân cao niên nhất thành phố. Qua điều tra, cảnh sát phát hiện bộ xương của cụ được đặt trên giường hơn 3 thập niên qua. Do không hay biết sự ra đi của cụ nên ngần ấy năm qua, chính phủ Nhật đều trả lương hưu và gửi tiền mừng thọ cho cụ. Chỉ riêng từ năm 2004 đến nay, số tiền hưu trí gửi vào tài khoản của cụ đã lên đến gần 9 triệu yen (109.000 USD).
Sau xì-căng-đan rúng động đó, nhiều tỉnh thành ở Nhật đã vào cuộc điều tra và phát hiện hàng trăm trường hợp thân nhân của những người già mất tích hoặc đã chết đã chiếm đoạt tiền lương hưu và mừng thọ. Được biết, ngoài lương hưu, những người sống trên 100 tuổi ở xứ sở Mặt trời mọc hằng năm còn được nhận tiền mừng thọ của chính phủ (khoảng 150.000 yen - 1.800 USD). Mặc dù chưa có thống kê chính thức về số tiền lương hưu và mừng thọ mà chính phủ Nhật do không biết nên đã chi cho những người đã khuất nhưng con số đó chắc chắn sẽ không nhỏ.
3 vấn đề vừa nêu ở Mỹ, Hy Lạp và Nhật Bản tuy mang màu sắc khác nhau nhưng đều bắt nguồn từ bệnh lơ là và yếu kém trong quản lý ở cấp địa phương. Phải chăng đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài suốt nhiều năm nay?
VIỆT QUỐC (Theo Examiner, BBC, AP, Guardian, NYTimes)