Thủ tướng Anh Theresa May đang đối mặt nguy cơ mất chức sau khi các nghị sĩ hôm 15-1 bác thỏa thuận “ly hôn” Liên minh châu Âu (EU) với tỷ lệ áp đảo 432-202.

Thủ tướng May tại cuộc bỏ phiếu hôm 15-1. Ảnh: AFP
Đây là thất bại nặng nề nhất của một chính phủ tại quốc hội trong lịch sử hiện đại xứ sương mù. BBC cho biết có 118 nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ của Thủ tướng May đã hợp lực cùng đảng đối lập chống lại thỏa thuận sơ bộ gồm các điều khoản để Anh rời EU (hay còn gọi Brexit). Một số người bỏ phiếu chống vì họ muốn “Brexit cứng” tức không cần thỏa thuận, số khác muốn có điều khoản tốt hơn trong khi những người còn lại muốn ngăn Brexit. “Thỏa thuận này đã chết” – theo cựu Ngoại trưởng Boris Johnson, người ủng hộ Brexit hàng đầu trong đảng Bảo thủ và thúc giục bà May tái đàm phán với Brussels nhằm tìm kiếm những điều khoản tốt hơn.
Thỏa thuận Brexit đạt được hồi cuối năm ngoái giữa Thủ tướng May và EU gây tranh cãi liên quan điều khoản “rào chắn” nhằm duy trì đường biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland thuộc EU. Các lãnh đạo EU hôm 14-1 khẳng định điều khoản trên chỉ mang tính tạm thời nhưng phe phản đối lo ngại động thái này sẽ ràng buộc Anh mãi mãi trong các quy định thị trường EU và đưa đất nước vào một kịch bản Brexit “nửa vời”. Trong khi ngày 29-3 là hạn chót cho tiến trình Brexit, diễn biến hiện nay có thể khơi mào bất ổn chính trị mà sau đó Anh sẽ rời liên minh tham gia từ năm 1973 trong tình trạng hỗn loạn hoặc phải từ bỏ Brexit thông qua cuộc trưng cầu dân ý thứ hai.
Thất bại “lịch sử” tại Quốc hội đồng thời phá hủy chiến lược của Thủ tướng May trong 2 năm qua nhằm thu xếp cuộc “ly hôn” với EU trong êm thấm. “Quốc hội đã lên tiếng và chính phủ sẽ nghe theo” - bà May nói với các nghị sĩ sau cuộc bỏ phiếu. Hiện lãnh đạo Anh phải chiến đấu trên hai mặt trận, vừa giữ quyền lực vừa nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận có thể được Quốc hội ủng hộ sau khi lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ trong 24 giờ. Động thái này có thể khởi động cuộc tổng tuyển cử sớm, nhưng giới phân tích dự đoán khả năng đó khó xảy ra khi các nghị sĩ Bảo thủ tuyên bố ủng hộ bà May.
Phản ứng về diễn biến mới ở Anh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho rằng 15-1 là một “ngày cay đắng đối với châu Âu”. Trong tuyên bố, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk bày tỏ lấy làm tiếc về kết quả bỏ phiếu đồng thời kêu gọi Chính phủ Anh làm rõ ý định sớm nhất có thể. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker thì cảnh báo thời gian để Anh đạt được thỏa thuận sắp hết trong khi Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nhấn mạnh sẽ không có đàm phán lại. EU trước nay tin rằng thỏa thuận Brexit là cách tốt nhất và duy nhất đảm bảo tiến trình Anh rời liên minh diễn ra suôn sẻ. Nhưng nếu một thỏa thuận là bất khả thi và cũng không ai muốn “Brexit cứng”, ông Tusk đề nghị Anh nên xem xét khả năng ở lại EU.
MAI QUYÊN (Tổng hợp)