15/04/2010 - 09:27

“Sân sau” của Mỹ lại sôi động

Ngay sau hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân được tổ chức tại Washington, một số nước châu Mỹ La-tinh - khu vực được coi là “sân sau” của Mỹ - lại có dịp đón tiếp các vị khách quốc tế.

 

Lãnh đạo các nước nhóm BRIC, từ trái sang là Tổng thống Brazil da Silva, Tổng thống Nga Medvedev, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. Ảnh: AFP 

Trong hai ngày 14 và 15-4, Argentina đón chào Tổng thống Nga lần đầu tiên sang thăm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 125 năm. Dù cựu Tổng thống Carlos Saul Menem và đương kim Tổng thống Argentina Fernandez de Kirchner đã đi thăm Mát-xcơ-va vào năm 1998 và 2008, nhưng chuyến công du của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev mới thật sự đánh dấu mối quan tâm của Mát-xcơ-va đối với đất nước có điệu nhảy tango tuyệt đẹp này. Kim ngạch thương mại giữa hai bên năm 2009 hơn 1,7 tỉ USD, trong đó Nga chỉ xuất khẩu 203,2 triệu USD nhờ các mặt hàng cao su, phân bón, đầu máy xe lửa. Vì thế, Mát-xcơ-va tin rằng thị trường 40 triệu dân của nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực Mỹ La-tinh này vẫn còn nhiều tiềm năng mà các doanh nghiệp Nga có thế mạnh như trang thiết bị quân sự, phương tiện xây dựng nhà máy thủy điện, năng lượng hạt nhân và khai thác dầu khí. Argentina có sản lượng dầu khai thác lớn thứ 4 khu vực Mỹ La-tinh và đang có kế hoạch xây dựng một số nhà máy năng lượng hạt nhân. Sau Argentina, ông Medvedev sẽ đến Brazil tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm 4 nước mới nổi lớn nhất thế giới BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) diễn ra vào ngày 16-4, đồng thời có cuộc thảo luận với Tổng thống Lula da Silva nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương trên các lĩnh vực không gian vũ trụ, năng lượng, viễn thông và nông nghiệp. Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga tại khu vực Tây bán cầu.

Cũng hướng về Mỹ La-tinh ngày 14-4, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào chọn Chile và Venezuela trước khi sang Brazil. Chile và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận tự do thương mại từ nhiều năm nay, và nước này đã trở thành đối tác thương mại khu vực Mỹ La-tinh lớn thứ hai của Trung Quốc năm 2009 với tổng kim ngạch đạt mức kỷ lục 17,7 tỉ USD. Venezuela là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc tại Mỹ La-tinh với kim ngạch 7,15 tỉ USD. Kim ngạch thương mại của hai bên hứa hẹn sẽ còn tăng mạnh vì Venezuela dự định nâng mức cung cấp dầu cho Trung Quốc lên 1 triệu thùng/ngày, so với hơn 460.000 thùng/ngày như hiện nay. Trong khi đó, lần đầu tiên kể từ những năm 1930, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Brazil với kim ngạch đạt 36 tỉ USD năm ngoái.

Vị khách khác của châu Mỹ La-tinh là Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh sẽ trực tiếp sang Brazil đúng ngày khai mạc hội nghị thượng đỉnh của nhóm BRIC, sau khi có các cuộc gặp song phương với nhiều nhà lãnh đạo quốc tế tham dự hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân ngay tại Thủ đô Washington của nước Mỹ. Thủ tướng Singh cho biết, nhân dịp hội nghị BRIC, ông sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh song phương với Tổng thống Lula da Silva và coi mối quan hệ với Brazil là “trụ cột” trong chính sách hướng tới Mỹ La-tinh của Ấn Độ.

Có thể nói, tại khu vực Mỹ La-tinh, Brazil - quốc gia có nền kinh tế lớn nhất - rõ ràng là một đối tác thương mại quan trọng nhất của nhiều nước khác ngoài khu vực. Và bản thân Brazil muốn tận dụng lợi thế này để thể hiện vai trò “nước lớn” của mình trên trường quốc tế. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 của BRIC do Brazil tổ chức bàn nhiều vấn đề trọng đại như khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, các chính sách của G-20, biến đổi khí hậu, cải cách Liên Hiệp Quốc, chương trình hạt nhân của Iran và tiến trình hòa bình Trung Đông. BRIC tuy chỉ có 4 quốc gia đang phát triển nhưng chiếm 42% dân số toàn cầu và đóng góp 50% tốc độ tăng trưởng kinh tế của thế giới trong nhiều năm qua.

Nhìn vào sự sôi động của các nước Mỹ La-tinh qua các cuộc tiếp khách quốc tế đang diễn ra và những năm gần đây, người ta thấy tầm ảnh hưởng của Washington tại khu vực này suy giảm nghiêm trọng. Nga, Trung Quốc và thậm chí Iran ngày càng có cơ hội thâm nhập sâu khu vực này. Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết sẽ nỗ lực xây dựng lại mối quan hệ với Tây bán cầu như là một trong những chính sách đối ngoại ưu tiên thông qua chương trình viện trợ kinh tế và quân sự hàng triệu USD mỗi năm. Do đó, sau khi ký thỏa thuận hợp tác quân sự với Brazil ngày 12-4, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates ngày 13-4 bắt đầu đi thăm các nước Peru, Colombia và dự hội nghị an ninh vùng Caribbe tại Bardados, để chứng minh với thế giới Mỹ không bỏ quên “sân sau” của mình.

KIẾN HÒA (Theo Itar-tass, AFP và Bloomberg)

Chia sẻ bài viết