30/04/2022 - 14:36

“Phao cứu sinh” cho những người vợ bị ngược đãi 

Sau khi thoát khỏi cuộc hôn nhân đau khổ vì bị bạo hành thường xuyên, Engy Raafat - bà mẹ 3 con ở thành phố Assiut (Ai Cập) - đã quyết tâm giúp đỡ những phụ nữ cùng cảnh ngộ bằng cách lập nên tổ chức “You Can” (tạm dịch “Bạn có thể”), nhằm hỗ trợ họ về mặt tâm lý, tài chính và pháp lý.

Bà Raafat (đứng) trong một buổi nói chuyện của You Can.

Bà Raafat (đứng) trong một buổi nói chuyện của You Can.

Theo báo cáo năm 2021 của Diễn đàn Phát triển và Đối thoại Nhân quyền - một tổ chức phi chính phủ của Ai Cập, có tới 86% phụ nữ đã kết hôn ở xứ sở kim tự tháp phải đối mặt với hành vi ngược đãi từ người chồng. Nhưng nhiều người quyết định không ly hôn vì sợ đối mặt với những rắc rối về pháp lý, áp lực xã hội, tài chính và tổn thương tinh thần mà hầu hết phụ nữ đã ly hôn ở nước này phải gánh chịu vì hệ lụy từ một hệ thống pháp luật và xã hội còn phân biệt đối xử. Theo bà Noura Mohamed - quản lý bộ phận chống bạo hành phụ nữ tại Trung tâm Hỗ trợ Pháp lý cho Phụ nữ Ai Cập, thực trạng ngược đãi phụ nữ thậm chí còn được chấp nhận ở vùng Thượng Ai Cập - nơi sinh sống của 25,75 triệu người trong tổng số 103 triệu dân Ai Cập và khoảng 50% trong số đó là người nghèo. Tại vùng này, đánh đập vợ được coi là quyền của người chồng, khiến nhiều chị em bị thương tật vĩnh viễn. Nhiều phụ nữ đã ly hôn, đặc biệt là những người làm mẹ, phải chật vật nuôi sống bản thân vì khó kiếm việc làm và bị gia đình xa lánh vì cái mác “ly hôn”.

You Can là tổ chức đầu tiên cung cấp sự hỗ trợ dành cho những phụ nữ bị ngược đãi ở các khu vực Assiut, al-Minya, Sohag, Beni Souef và Luxor của vùng Thượng Ai Cập. Bà Raafat cho biết kể từ khi thành lập vào năm 2016, 12 tình nguyện viên của You Can - bao gồm 4 nam giới - đã giúp đỡ ít nhất 1.000 phụ nữ tìm được việc làm. Tổ chức này tận dụng mạng xã hội, danh tiếng của họ và các mối quan hệ riêng để tìm việc làm cho những phụ nữ đang quẫn trí ở khắp các thành phố khác nhau. Còn với những người muốn khởi sự buôn bán nhỏ, You Can giúp họ tìm nguồn tài trợ từ các doanh nhân và các tổ chức phi chính phủ địa phương.

“You Can đã thay đổi cuộc đời tôi. Nhờ sự hỗ trợ về tài chính và tâm lý, tôi không còn ý định tự tử nữa, đã phát triển kỹ năng nghề nghiệp và tìm được việc làm” - Mariam, một phụ nữ 40 tuổi đến từ Assiut, cho biết. Trước đó, bà từng bị chồng bạo hành đến mức muốn tự thiêu để thoát khỏi đau khổ. Theo Raafat, chính sự kỳ thị và phân biệt đối xử trong xã hội đã làm trầm trọng thêm mối căng thẳng tâm lý và tình cảm cho những phụ nữ bị ngược đãi, khiến nhiều người muốn kết liễu đời mình. Bản thân Raafat cũng từng nếm trải kinh nghiệm đau thương sau ly hôn, bao gồm mất chỗ ở và thu nhập, may nhờ có sự hỗ trợ của một giám mục, bà mới có thể vượt qua. Vì vậy, mục đích của You Can là tìm cách trao quyền làm chủ kinh tế cho những người vợ bị ngược đãi để họ xoa dịu tổn thương và trở nên mạnh mẽ hơn.

Thông qua các hội thảo khác nhau (bao gồm trò chuyện riêng tư) của You Can, Raafat đã giúp hơn 50.000 phụ nữ và 10.000 nam giới hiểu thêm về vấn nạn ngược đãi bạn đời, các hình thức bạo hành khác nhau và cách giải quyết nó. Ngoài ra, You Can còn tổ chức các buổi biểu diễn trên sân khấu dành cho khán giả nữ, qua đó giúp họ biết được các mối quan hệ bạo lực sẽ kéo theo những hệ lụy gì và cách đương đầu với chúng.

NGUYỆT CÁT (Theo Al Jazeera)

Chia sẻ bài viết