28/09/2013 - 21:00

“Nô lệ thời hiện đại” ở Qatar

Chính phủ Nepal hôm 26-9 đã triệu hồi đại sứ của họ tại Qatar, bà Maya Kumari Sharma, về nước sau khi báo Anh Guardian đăng phát biểu của bà, trong đó ví Qatar như "nhà tù mở" đối với nhiều công nhân Nepal. Theo Guardian, hàng chục công nhân người Nepal đã thiệt mạng ở quốc gia giàu khí đốt này trong những tháng gần đây, trong khi hàng ngàn người khác bị vắt kiệt sức lao động. Nepal đang thuê nhiều lao động ngoại quốc làm việc tại các công trình xây dựng chuẩn bị cho World Cup 2022.

Quang cảnh một công trường xây dựng tại Qatar. Ảnh: Construction Weekly 

Theo tài liệu của đại sứ quán Nepal tại Qatar, ít nhất 44 công nhân người Nepal đã thiệt mạng trong thời gian từ ngày 4-6 đến 8-8, trong đó có hơn 50% trường hợp tử vong vì đau tim, suy tim hoặc tai nạn lao động. Điều này đồng nghĩa với việc gần như mỗi ngày trôi qua lại có thêm 1 lao động Nepal chết tại Qatar trong mùa hè rồi. Cuộc điều tra riêng của Guardian cũng phát hiện nhiều bằng chứng cho thấy hàng ngàn người Nepal đang đối mặt tình trạng bóc lột và lạm dụng, được ví như những "nô lệ thời hiện đại", tại các công trình xây dựng phục vụ cho Cúp Bóng đá Thế giới.

Điển hình là nhiều công nhân tố cáo việc họ bị "quỵt" lương suốt nhiều tháng ròng, có trường hợp bị chủ giữ lương để ngăn họ bỏ trốn. Nhiều người cho biết họ bị ép làm việc suốt nhiều giờ trong điều kiện nhiệt độ lên tới 500C mà không được uống nước. Một số công nhân than họ phải làm việc 12 giờ mỗi ngày, sau đó trải qua buổi tối với cái bụng trống rỗng hoặc phải đi xin thức ăn của bạn bè. Nếu họ phàn nàn thì lập tức bị quản lý đánh đập. Trong khi đó, Bộ Lao động Qatar quả quyết rằng đã quy định chặt chẽ điều kiện làm việc dưới sức nóng và thanh toán kịp thời tiền lương cho người lao động. Nhưng theo điều tra thực tế, có ít nhất 30 lao động Nepal đã tìm cách lánh nạn tại đại sứ quán nước này ở Thủ đô Doha do không chịu nổi điều kiện làm việc quá khắc nghiệt.

Ở một số nơi, chủ thuê còn thường xuyên thu giữ hộ chiếu hoặc không phát thẻ căn cước cho công nhân. Do không có giấy tờ hợp pháp, số lao động nhập cư nói trên không thể rời khỏi nơi làm việc của họ, nếu không họ sẽ bị bắt và không được nhận bất kỳ sự bảo vệ pháp lý nào. "Chúng tôi muốn bỏ đi, nhưng công ty không để chúng tôi đi. Nếu chúng tôi bỏ trốn, chúng tôi sẽ thành người nhập cư bất hợp pháp và khó lòng tìm việc khác. Cảnh sát có thể bắt chúng tôi bất cứ lúc nào và gửi trả chúng tôi về nước" - một công nhân nhập cư Nepal giải thích.

Liên đoàn Công đoàn Quốc tế cảnh báo nếu Chính phủ Qatar không có biện pháp cấp bách cải thiện điều kiện làm việc thì số công nhân xây dựng nhập cư thiệt mạng có thể lên tới 600 trường hợp/năm và sẽ có 4.000 người chết trước khi Khai mạc World Cup 2022. Không chỉ lao động người Nepal mà nhiều lao động người Ấn Độ cũng thiệt mạng ở đây. Theo Đại sứ quán Ấn Độ tại Qatar, trong năm tháng đầu năm nay đã có 82 công nhân của họ thiệt mạng, còn con số của giai đoạn 2010-2012 là hơn 700 người. Tổ chức Lao động Quốc Tế (ILO) ngày 27-9 cảnh báo Qatar đã thất bại trong việc thực thi đầy đủ công ước quốc tế cấm sử dụng lao động cưỡng bức mà nước này ký kết từ năm 2007.

Được biết, Qatar hiện có tỷ lệ lao động nhập cư/dân số quốc gia cao nhất thế giới với hơn 90% lực lượng lao động là người nhập cư. Cụ thể, hiện có khoảng 1,2 triệu lao động nhập cư tại nước này, trong đó phần lớn là công nhân xây dựng. Trong tương lai, quốc gia này dự tính ​​sẽ tuyển thêm 1,5 triệu lao động để xây dựng các sân vận động, đường sá, bến cảng, khách sạn phục vụ cho giải bóng đá lớn nhất hành tinh. Theo ước tính của nhiều chuyên gia, Qatar sẽ chi 100 tỉ USD cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ World Cup 2022, trong đó có những công trình lớn như đầu tư 20 tỉ USD xây thêm đường bộ mới, 24 tỉ USD cho đường sắt cao tốc, 4 tỉ USD cho tuyến đường nối Qatar với Bahrein, xây 55.000 phòng khách sạn... Hiện người Nepal chiếm 40% số lao động nhập cư ở Qatar. Chỉ riêng năm ngoái có tới hơn 100.000 lao động Nepal rời bỏ quê hương để tới Qatar tìm việc.

Điều đáng chú ý là đa số lao động nhập cư Nepal đều gánh những khoản nợ khổng lồ ở quê nhà, chủ yếu do lệ phí mà họ phải nộp cho các công ty tuyển dụng. Qatar hiện là một trong những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới với hơn 98.000 USD trong khi Nepal thì ở thái cực ngược lại, chỉ hơn 700 USD.

N. CÁT (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết