15/05/2012 - 21:02

“Người bình dân” nhậm chức Tổng thống Pháp

Tân Tổng thống Francois Hollande vẫy chào công chúng Pháp trên đại lộ Điện Élysée sau buổi lễ nhậm chức ngày 15-5. Ảnh: AP

Hôm qua, Francois Hollande đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Pháp, chính thức trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của xứ sở gà trống Gaulois thuộc đảng Xã hội trong 17 năm qua. Sau buổi lễ nhậm chức nhanh gọn, tân Tổng thống Pháp sẽ bắt đầu “tuần trăng mật” mà báo giới phương Tây nhận định là nhiều thách thức, trong đó có việc thành lập nội các và thực hiện chuyến công du quan trọng đến Đức và Mỹ.

Để tránh làm mất hình ảnh “Người Bình dân” mà ông tạo dựng trong chiến dịch tranh cử để “ghi điểm” với các cử tri vốn thất vọng sự phô trương của người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy, ông Hollande yêu cầu tổ chức lễ nhậm chức càng nhanh gọn càng tốt. Ông cũng chỉ mời hơn 30 khách cùng 350 quan chức tham dự sự kiện. Các con riêng của ông và của bà Valerie Trierweiler - người phụ nữ đang sống cùng ông - đều không tham dự. Trước buổi lễ, cựu Tổng thống Sarkozy có nghi thức chuyển giao quyền lãnh đạo, các mật mã hạt nhân và các tài liệu bí mật cho người kế nhiệm. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Hollande bổ nhiệm ông Pierre-Rene Lemas làm Chánh Văn phòng nội các và ông Germanophile Jean-Marc Ayrault, người có các mối quan hệ gần gũi với Đức, làm tân Thủ tướng. Ông nhận lời chúc mừng của người dân Pháp dọc theo đại lộ Champs Élysées và dùng bữa trưa đầu tiên trên cương vị tổng thống với các cựu thủ tướng là người của đảng Xã hội như Pierre Mauroy, Laurent Fabius, Michel Rocard, Edith Cresson và Lionel Jospin.

Ông Hollande nhậm chức giữa lúc cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng euro (Eurozone) ngày càng trầm trọng với những lo ngại về tương lai của Hy Lạp. Do đó, ông chủ mới của Điện Élysée khá bận rộn với nhiều công việc quan trọng cần làm trong tuần đầu tiếp quản Điện Élysée.

Cũng như người tiền nhiệm, không lâu sau lễ nhậm chức, ông Hollande sẽ công du lần đầu đến Berlin gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà Merkel tin rằng có thể thiết lập quan hệ đối tác bền vững với ông Hollande. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ lập trường khác biệt về các chính sách quản lý ngân sách của Eurozone do Đức đề xuất. Chuyến công du này được kỳ vọng sẽ “bắt cầu” cho các thảo luận quanh những khác biệt của hai nhà lãnh đạo về các chính sách của Eurozone. Những phát biểu đầu tiên của ông Hollande sẽ rất được chú ý. Các thị trường tài chính đang dõi theo nhà lãnh đạo mới của nền kinh tế lớn thứ 2 Eurozone với hy vọng cam kết đưa ra các biện pháp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khu vực sẽ không làm xấu đi mối quan hệ với Thủ tướng Merkel, mối quan hệ đồng minh thân cận mà cựu Tổng thống Sarkozy đã dày công gầy dựng.

Thực ra, bất kỳ sự biểu lộ nào về chính sách kinh tế ban đầu đều sẽ bị “chú ý kỹ lưỡng” ở bên ngoài và trong nước Pháp, nơi người dân giận dữ về tình trạng thất nghiệp tràn lan và nền kinh tế trì trệ - nhân tố dẫn đến sự thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua của ông Sarkozy. Ông Hollande sẽ đối mặt với “kiểm nghiệm” đầu tiên của mình từ phía các nhà đầu tư tư nhân khi chính phủ mới của ông được kỳ vọng sẽ huy động 7,8-9,2 tỉ euro từ đợt phát hành trái phiếu trung và dài hạn trong ngày nhậm chức của ông.

Một sự kiện lớn khác trong lịch làm việc của tân Tổng thống Pháp là chuyến thăm chính thức của ông đến Mỹ vào ngày 18-5. Tại Nhà Trắng, ông Hollande và người đồng cấp Mỹ Barack Obama sẽ tập trung thảo luận về việc rút quân Mỹ và Pháp khỏi Afghanistan và về cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone. Hiện tại, hai nhà lãnh đạo này vẫn còn bất đồng về thời gian rút quân khi kế hoạch của ông Hollande cho rằng công tác này sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu. Ngoài ra, người cầm quyền mới của Pháp cũng sẽ tham dự cuộc họp Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-8) vào ngày 18-19/5 và Hội nghị thượng đỉnh NATO vào 20-21/5 đều diễn ra ở Mỹ.

THUẬN HẢI (Theo Reuters, AFP, Xinhua)

Chia sẻ bài viết