24/06/2022 - 08:43

“Ngoại giao Twitter” của Trung Quốc 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Mặc dù bị cấm tại Trung Quốc nhưng mạng xã hội Twitter đang được giới chức ngoại giao quốc gia đông dân nhất thế giới “chuộng” dùng để tương tác với công chúng Indonesia.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong một cuộc gặp hồi năm 2020. Ảnh: AFP

Theo đó, Ðại sứ Trung Quốc tại Indonesia Lục Khảng mới đây đã mở một tài khoản Twitter và cho đăng tải bài viết nhằm gửi lời chào tới người dân nước này, qua đó cho thấy một bước ngoặt mới trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc đối với quốc gia lớn nhất khu vực Ðông Nam Á. Hiện với 17.000 người theo dõi, ông Lục sử dụng trang cá nhân Twitter để nêu bật những tiến triển  trong quan hệ Trung Quốc - Indonesia bằng tiếng Hoa, tiếng Anh và cả tiếng Indonesia.

Ðáng chú ý, trong một bài viết gần đây nhằm phản ứng với bài viết của Ðại sứ quán Mỹ trên Twitter cho rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Ðông vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, ông Lục nhấn mạnh “Trung Quốc luôn thúc đẩy phát triển và hợp tác hòa bình giữa các quốc gia”. Ngoài ra, ông cũng đăng tải nhiều bài viết về chuyến thăm của ông đến một trường nội trú Hồi giáo nhằm cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa người Hồi giáo Indonesia và người Hồi giáo ở khu vực Tân Cương, về cách các doanh nghiệp và ngân hàng Trung Quốc sử dụng lao động địa phương, có lẽ là nhằm ngăn chặn các tranh luận liên quan đến lượng lao động Trung Quốc ngày càng đông ở Indonesia.

Mặc dù các đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc tại Indonesia không có tài khoản Twitter chính thức nhưng giới chức Trung Quốc tại xứ sở vạn đảo hoạt động rất tích cực trên mạng xã hội này, trong đó gồm Ðại sứ Trung Quốc tại Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) Ðặng Tích Quân. Theo tờ The Diplomat, trên tài khoản Twitter chính thức, bên cạnh việc đăng tải các hoạt động của mình, ông Ðặng thường đăng tải các bài viết ca ngợi những lợi ích mà sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” mang lại, cũng như thường xuyên cập nhật tiến độ của dự án Ðường sắt cao tốc Jakarta - Bandung do Trung Quốc thi công.

Ðáng chú ý, Tân Hoa Xã cũng có tài khoản Twitter riêng bằng tiếng Indonesia với khoảng 64.000 người theo dõi. Thời gian qua, hãng thông tấn của Chính phủ Trung Quốc này thường xuyên đăng tải các bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình bằng tiếng Hoa, quan điểm của Bắc Kinh về việc thống nhất Ðài Loan, cách Indonesia có thể hưởng lợi từ BRI cũng như các bài viết về các chuyến thăm của giới chức Indonesia đến Tân Cương.                                    

Thật ra, không riêng gì giới chức Trung Quốc tại Indonesia sử dụng Twitter, ngày càng nhiều quan chức ngoại giao Trung Quốc sử dụng mạng xã hội này để giới thiệu chính sách đối ngoại của Bắc Kinh ra cộng đồng quốc tế. Ðơn cử, hồi tháng 7-2019, phó đại sứ Trung Quốc tại Pakistan khi đó là Triệu Lập Kiên đã đăng một bài viết lên trang cá nhân Twitter với nội dung “nếu bạn là người sống ở thủ đô Washington, bạn sẽ biết người da trắng không bao giờ tới một khu vực nhất định vì đó là nơi của người da đen và Latinh”. Phát ngôn của ông Triệu vấp phải phản ứng quyết liệt từ phía Mỹ, châm ngòi cho cuộc đấu khẩu trên mặt trận “Ngoại giao Twitter”. Ông Triệu cũng sử dụng Twitter để phản hồi những chỉ trích của cộng đồng quốc tế về chính sách tại Tân Cương của Trung Quốc.

Cũng trong tháng 7-2019, Ðại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đã lập tài khoản Twitter và ngay lập tức chỉ trích Washington vì kế hoạch bán lô vũ khí trị giá 2,2 tỉ USD cho Ðài Loan.

Dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ mới mở tài khoản Twitter vào năm 2018, mạng xã hội này đã được Bắc Kinh sử dụng như là nền tảng cho chính sách ngoại giao toàn cầu của nước này, hay còn được gọi là “Ngoại giao Twitter”. Báo cáo của Trường Kinh tế Luân Ðôn (Anh) phát hiện rằng hoạt động của giới chức Trung Quốc trên Twitter tăng lên rõ rệt trong những năm gần đây.

Chia sẻ bài viết