09/08/2012 - 21:39

Xung đột chính trị ngày càng nghiêm trọng tại Syrie

“Khoảng trống” sau sự ra đi của Kofi Annan

Kofi Annan sẽ bỏ lại chiếc ghế đặc phái viên chung của LHQ và AL sau ngày 31-8.
Ảnh: Reuters

Khi tình hình Syrie đang chìm sâu vào cuộc nội chiến toàn diện, thì các đại biểu phương Tây tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang ngày càng ngờ vực về ý nghĩa của việc bổ nhiệm người thay thế Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn A-rập (AL) Kofi Annan ngay giữa dòng xoáy của cuộc xung đột chính trị ở quốc gia Trung Đông này, các đại sứ tại LHQ vừa lên tiếng lo ngại.

Khi tuyên bố sẽ ra đi, ông Annan đưa ra lý do rằng không thể đảm trách sứ mệnh của ông trong bối cảnh những thế lực có quyền phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đang bế tắc một cách vô vọng. Nga thì đang ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad, trong khi phe đối lập tại Syrie lại nhận được sự hậu thuẫn từ Mỹ, Anh và Pháp. Bế tắc trên vẫn cứ dai dẵng và trở nên rắc rối xung quanh câu hỏi liệu giải pháp chính trị của LHQ có cần thiết vào thời điểm này.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho rằng, ông đã thảo luận với Tổng Thư ký AL Nabil al-Arabi về người thay thế ông Annan để đảm bảo rằng con đường ngoại giao vẫn được tiếp tục. Rất nhiều quan chức tại LHQ cho rằng người kế nhiệm ông Annan sẽ được tuyên bố trong ngày 10-8.

Nga, quốc gia bày tỏ sự tiếc nuối cho sự ra đi của ông Annan, cũng quyết định ủng hộ người thay thế ông Annan tiếp tục con đường ngoại giao do LHQ dẫn đầu. Các thành viên của HĐBA gồm Trung Quốc, Nam Phi và Pakistan đều nhất trí với quan điểm của Mát-xcơ-va.

Tuy nhiên, giới ngoại giao tại HĐBA cho rằng Mỹ đối mặt với một vấn đề nhỏ ở sự thay thế ông Annan. Họ đang ngày càng nản lòng trước việc tìm người thay thế nhà ngoại giao kỳ cựu sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ tiếp tục bác bỏ các nghị quyết do Mỹ và phương Tây đề xuất có ý gạt Tổng thống al-Assad khỏi chính trường Syrie hoặc rắp tâm can thiệp quân sự vào quốc gia Vùng Vịnh-Trung Đông. Theo hãng tin Anh Reuters, chính quyền Tổng thống Mỹ Obama thay vì ủng hộ cho kế hoạch hòa bình, thì lại tăng cường hỗ trợ cho phe đối lập chống lại ông al-Assad.

“Mỹ đã từ bỏ lộ trình của HĐBA hồi tháng 10-2011 sau lần phủ quyết nghị quyết đầu tiên của Nga. Họ nhận thấy ông Annan đã mất quá nhiều thời gian để thừa nhận thất bại”- một quan chức tại HĐBA giấu tên cho biết.

Khi được hỏi liệu Mỹ sẽ tiếp tục tìm kiếm sự thay thế vị trí ông Annan, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho rằng Washington đang hợp tác với các bên, cả LHQ và “Những người bạn của Syrie” trong nỗ lực chung nhằm gây sức ép lên chính quyền Tổng thống al-Assad.

Sau khi tuyên bố sẽ từ bỏ vai trò đặc phái viên chung của LHQ và AL, ông Annan cho rằng: “Các bên chạy đua vũ trang trên mặt đất và sự mất đoàn kết rõ rệt giữa các thành viên trong HĐBA LHQ đã hoàn toàn thay đổi tình thế đối với những nỗ lực hiệu quả của tôi”.

Mặc dù châu Âu công khai tuyên bố ủng hộ quyết định của Tổng Thư ký Ban Ki-moon về việc tìm người thay thế ông Annan, nhưng một vài nhà ngoại giao phương Tây đã lên tiếng hoài nghi rằng việc bổ nhiệm nhân vật khác đảm nhiệm vai trò mà ông Annan để lại dường như thất bại. “Ai sẽ nhận lấy nhiệm vụ này? Nếu ông Annan không thể thành công thì còn ai khác có thể thực hiện được? Đó là một sự thất bại vào thời điểm này, mặc dù điều đó có thể thay đổi trong tương lai”- một nhà ngoại giao tại HĐBA nhấn mạnh.

Giới ngoại giao tại LHQ cho rằng, người thay thế ông Annan phải là nhân vật có tầm ảnh hưởng cỡ như ông. Tiết lộ với hãng tin Reuters, các nhà ngoại giao cho biết, trong số những cái tên có thể thay thế ông Annan được đề cập tại LHQ là cựu Ngoại trưởng Pháp Miguel Angel Moratinos và cựu Cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Javier Solana.

THANH BÌNH (Theo Reuters)

Kofi Annan sẽ bỏ lại chiếc ghế đặc phái viên chung của LHQ và AL sau ngày 31-8. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết