10/06/2024 - 18:22

“Đòn phủ đầu” may rủi của ông Macron 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 9-6 tuyên bố giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử lập pháp sớm sau khi đảng Mặt trận Quốc gia (RN) theo đường lối cực hữu giành thế áp đảo so với đảng Phục hưng của ông trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP).

Canh bạc chính trị

Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Macron cho hay vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Hạ viện sẽ diễn ra vào ngày 30-6 và vòng 2 vào ngày 7-7. Giải thích về quyết định trên, ông cho rằng kết quả bầu cử EP “không tốt cho các chính đảng đang bảo vệ châu Âu. “Các đảng cực hữu đang thắng thế ở khắp nơi trên lục địa này. Đó là tình huống khiến tôi không thể từ chức. Tôi quyết định để các bạn lựa chọn. Vì vậy, tôi sẽ giải tán Quốc hội vào tối nay. Đây là quyết định nghiêm túc và rất khó khăn” - ông Macron bày tỏ.

Đảng Mặt trận Quốc gia của bà Le Pen giành thắng lợi trong cuộc bầu cử EP. Ảnh: AP

Nhà lãnh đạo phe cực hữu Pháp Marine Le Pen hoan nghênh lời kêu gọi tổ chức bầu cử sớm từ ông Macron. Phát biểu tại cuộc tuần hành, bà Le Pen tuyên bố: “Chúng tôi sẵn sàng tiếp quản quyền lực nếu nhân dân Pháp tín nhiệm chúng tôi trong những cuộc bầu cử quốc gia sắp tới. Chúng tôi sẵn sàng xoay chuyển tình thế đất nước, bảo vệ lợi ích của người Pháp, chấm dứt tình trạng nhập cư ồ ạt và ưu tiên sức mua của người Pháp”. Với sự trỗi dậy của các đảng cực hữu ở bầu cử EP lần này, giới quan sát đánh giá bà Le Pen đang đứng trước cơ hội lớn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2027 để trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Pháp.

Theo mạng phát thanh và truyền hình BFMTV, RN dưới sự lãnh đạo của chính trị gia 28 tuổi Jordan Bardella - người được bà Le Pen ủng hộ - đã giành được khoảng 32% tổng số phiếu bầu, cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ 15,4% mà đảng Phục hưng của Tổng thống Macron sở hữu. 

Như vậy, nếu RN giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới, ông Badella có thể trở thành thủ tướng, đưa nước Pháp vào tình trạng “chung sống chính trị”. Khi đó, ông Macron vẫn sẽ chỉ đạo chính sách quốc phòng và đối ngoại nhưng sẽ mất quyền thiết lập chương trình nghị sự trong nước, từ chính sách kinh tế đến an ninh. Theo hãng tin Reuters, đảng Phục hưng đang có 169/577 ghế tại Quốc hội, trong khi đảng RN có 88 ghế.

Giới quan sát cho rằng quyết định mang tính “đòn phủ đầu” của ông Macron nhằm mục đích để phe cực hữu không có nhiều thời gian tập hợp liên minh. Song, đây vẫn có thể coi là “canh bạc” đối với tương lai chính trị của ông khi mà quyết định của ông chủ Điện Élysée có khả năng gây ra một “cơn địa chấn” chính trị ở Pháp, tạo cơ hội cho phe cực hữu giành được quyền lực thực sự sau nhiều năm đứng bên lề và đe dọa vô hiệu hóa nhiệm kỳ tổng thống 3 năm còn lại của ông.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1997 một tổng thống Pháp tuyên bố tổ chức bầu cử quốc hội sớm. Tổng thống Jacques Chirac năm đó, vốn là chính trị gia cánh hữu, cũng từng hy vọng chặn được đà thắng của phe cánh tả trên chính trường bằng cách giải tán quốc hội và bầu cử sớm. Tuy nhiên, các đảng cánh tả cuối cùng vẫn giành được đa số tại quốc hội Pháp và ông Chirac phải làm việc cùng thủ tướng thuộc đảng Xã hội là Lionel Jospin.

Nhiều cú sốc thất bại

Ngoài thất bại của đảng cầm quyền tại Pháp, hàng loạt đảng và liên minh cầm quyền tại nhiều nước châu Âu cũng phải chịu cú sốc thất bại. Đáng chú ý, đảng Tự do (FPOe) cực hữu của Áo đã  lần đầu tiên chiến thắng trong một cuộc bầu cử toàn quốc khi giành được 25,7% số phiếu bầu, trong khi đảng Nhân dân Áo (OeVP) cầm quyền theo đường lối bảo thủ nhận được 24,7% số phiếu ủng hộ.

Tại Đức, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz ghi nhận kết quả tồi tệ nhất trong lịch sử trong các cuộc bầu cử toàn quốc khi chỉ giành được 13,9% tổng số phiếu bầu, xếp thứ 3 sau đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD). Đảng Xanh cũng đã hứng chịu đòn nặng nề khi chỉ nhận về 11,9% phiếu bầu. Trong khi đó, các đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) giành 30,2% tổng số phiếu bầu, qua đó tạo động lực cho đương kim Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tái tranh cử nhiệm kỳ thứ 2.

Tại Cộng hòa Séc, Phong trào ANO đối lập đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với 26,14% tổng số phiếu ủng hộ, đồng thời giành được 7 ghế tại EP. Liên minh SPOLU cầm quyền về thứ hai với 22,27% số phiếu và giành được 6 ghế tại EP. 

Trong khi đó tại Slovakia, đảng Phương hướng - Dân chủ Xã hội (Smer-SD) của Thủ tướng Robert Fico đã hứng chịu thất bại bất ngờ trong cuộc bầu cử EP. Kết quả cho thấy đảng Slovakia Tiến bộ (PS) giành được 27,81% tổng số phiếu bầu và sẽ có 6 ghế tại EP, trong khi Smer-SD sở hữu 24,76% sự ủng hộ và có được 5/720 ghế tại EP, đảng Cộng hòa theo đường lối cực hữu về thứ 3 với 12,53% và sẽ có 2 ghế tại EP.

Dù nhiều đảng và liên minh cầm quyền thất bại, nhưng kết quả sơ bộ được tổng hợp sau cuộc bầu cử  cho thấy các nhóm chính trị xuyên quốc gia truyền thống, gồm đảng Nhân dân châu Âu (EPP), Liên minh Xã hội và Dân chủ (S&D) và đảng Đổi mới châu Âu (RE) vẫn giữ được đa số với tổng cộng 401 trên tổng số 720 ghế trong EP nhiệm kỳ 2024-2029. Cụ thể, nhóm EPP trung hữu tiếp tục giữ được vị thế là lực lượng chính trị lớn nhất trong EP với 186 ghế, trong khi liên minh trung tả S&D giữ vững vị trí thứ hai với 133 ghế.  Nhóm RE theo đường lối trung dung bị tổn thất nặng nề khi chỉ giành được 82 ghế so với 102 ghế hiện tại. Thất bại này phần lớn được giải thích bởi kết quả tệ hại của đảng Phục hưng của Tổng thống Pháp và các đảng đồng minh. Tuy nhiên, RE vẫn tiếp tục là lực lượng chính trị lớn thứ ba tại EP.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết