Hàn Quốc vừa phóng thành công vệ tinh vào không gian bằng tên lửa đẩy sản xuất nội địa đầu tiên, đưa nước này tiến gần hơn tới giấc mơ trở thành nhân tố mới trong ngành vũ trụ và triển khai vệ tinh do thám để giám sát tốt hơn mối đe dọa tên lửa, hạt nhân từ Triều Tiên.

Tên lửa Nuri của Hàn Quốc rời bệ phóng ngày 21-6. Ảnh: Yonhap
Tên lửa đẩy ba tầng Nuri rời bệ phóng từ Trung tâm không gian Naro ở vùng duyên hải phía Nam Hàn Quốc vào lúc 16h ngày 21-6 (giờ địa phương). 70 phút sau khi rời bệ phóng, Hàn Quốc thông báo tên lửa nhiên liệu lỏng nặng 200 tấn đã đưa thành công 1 vệ tinh “xác nhận hiệu suất” nặng 162kg và 1 vệ tinh giả nặng 1,3 tấn vào quỹ đạo cách Trái đất 700km. Vệ tinh cũng đã truyền tín hiệu về một trạm của Hàn Quốc ở Nam Cực. Thiết bị này còn mang theo 4 vệ tinh nghiên cứu nhỏ hơn, lần lượt sẽ được “nhả ra” vào cuối tháng.
Sự kiện trên đã giúp Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 10 trên thế giới phóng vệ tinh vào không gian bằng công nghệ của mình. “Khoa học và công nghệ của Hàn Quốc đã có một bước tiến vượt bậc”, Bộ trưởng Khoa học Lee Jong-ho tự hào nói trong cuộc họp báo. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cũng đã chúc mừng các nhà khoa học vì thành tựu trên, đồng thời tuyên bố sẽ thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử là thành lập một cơ quan hàng không vũ trụ nhà nước.
Hàn Quốc đã đầu tư gần 2.000 tỉ won (1,8 tỉ USD) phát triển Nuri từ năm 2010. Đây là lần thứ hai họ phóng tên lửa Nuri. Trong lần phóng vào tháng 10-2021, Nuri đã bay đến độ cao mục tiêu là 700km nhưng không đưa được vệ tinh giả vào quỹ đạo, do động cơ tầng đẩy thứ ba của tên lửa bị cháy sớm hơn dự kiến.
Theo Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KARI), trước sứ mệnh Nuri của nước này, chỉ có Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đã phát triển thành công phương tiện phóng có khả năng mang vệ tinh nặng hơn 1 tấn lên quỹ đạo. KARI là đơn vị thiết kế tên lửa, trong khi hàng trăm công ty địa phương khác chịu trách nhiệm sản xuất và lắp ráp. Giới chức Hàn Quốc khẳng định tên lửa Nuri không có mục đích quân sự.
“Tay chơi mới” trong ngành vũ trụ
Tuy là “ông lớn” về sản xuất chất bán dẫn, xe hơi và điện thoại thông minh, song chương trình phát triển không gian của Hàn Quốc vẫn còn thua kém những nước láng giềng châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản. Triều Tiên đã đưa các vệ tinh quan sát Trái đất vào quỹ đạo vào năm 2012 và 2016, mặc dù không có bằng chứng cho thấy các thiết bị này gửi hình ảnh, dữ liệu về Trái đất.
Kể từ đầu thập niên 1990, Hàn Quốc đã gửi một loạt vệ tinh vào không gian nhưng tất cả đều sử dụng công nghệ tên lửa hoặc bãi phóng của nước ngoài. Năm 2013, nước này lần đầu tiên phóng thành công vệ tinh trong nước nhưng tầng đẩy thứ nhất của tên lửa lại do Nga phát triển.
Quốc gia Đông Bắc Á này hiện không có vệ tinh do thám quân sự và phải phụ thuộc vào vệ tinh của Mỹ để giám sát các cơ sở chiến lược của Triều Tiên. Do vậy, việc sở hữu tên lửa đẩy riêng sẽ là chìa khóa cho các kế hoạch xây dựng hệ thống định vị và do thám dựa trên vệ tinh, mạng lưới thông tin liên lạc 6G và thậm chí cả tàu thăm dò Mặt trăng của Hàn Quốc trong tương lai. Seoul dự định thực hiện thêm 4 vụ phóng bằng tên lửa Nuri cho đến năm 2027 và cũng đang phát triển tên lửa mới mạnh gấp đôi Nuri. Giới khoa học xứ kim chi hy vọng sẽ gửi một tàu thăm dò không người lái lên Mặt trăng bằng tên lửa tự chế vào đầu thập niên 2030 và đưa các vệ tinh quy mô lớn vào quỹ đạo. Hàn Quốc còn muốn có thị phần trên thị trường phóng vệ tinh của thế giới. Phần lớn những vụ phóng tên lửa hiện nay đều được thực hiện bởi Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.
“Cơn khát” công nghệ vũ trụ ngày càng lớn
Chính phủ các nước trên thế giới đã chi tổng cộng 216 tỉ USD vào hoạt động không gian giai đoạn 2018-2020. Những nước không có công nghệ tên lửa đẩy sẽ tìm tới các công ty tư nhân như SpaceX (Mỹ) - một trong số ít công ty sở hữu tên lửa đủ sức mang các vệ tinh nặng lên không gian. Hàn Quốc, Ai Cập và Mỹ đều đã hợp tác với SpaceX trong các sứ mệnh trước đây, một phần bởi giá cả hợp lý. Được biết, Công ty SpaceX của tỉ phú Elon Musk tính phí mỗi vụ phóng vào khoảng 67 triệu USD.
|
HẠNH NGUYÊN (Theo NY Times, DW)