ÐỨC TRUNG (Tổng hợp)
Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine cùng các biện pháp cấm vận nghiêm ngặt của phương Tây sẽ tác động lâu dài đến nguồn cung ứng lương thực toàn cầu, làm gia tăng giá cả nhu yếu phẩm và nguy cơ thúc đẩy các khủng hoảng an ninh, xung đột và nhân đạo trên thế giới.
Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) Khuất Ðông Ngọc, Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất, trong khi Ukraine là nhà xuất khẩu lớn thứ 5 thế giới. Lúa mì là loại thực phẩm chính của hơn 35% dân số thế giới. Ðặc biệt, Ukraine từ nhiều thập niên qua được mệnh danh là “rổ bánh mì của châu Âu” bởi nước này là nguồn cung lúa mì chủ yếu cho lục địa già. Trước khi chiến tranh nổ ra, Ukraine đặt mục tiêu trở thành nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 3 thế giới, sau Nga và Mỹ. Ukraine còn là nước xuất khẩu bắp lớn thứ 4 thế giới. Theo Bộ Nông nghiệp Ukraine, chiến tranh có thể khiến diện tích gieo trồng ở nước này giảm hơn phân nửa, từ mức 15 triệu héc-ta xuống còn 7 triệu héc-ta.
Theo ông Khuất Ðông Ngọc, thế giới không chỉ bị ảnh hưởng bởi nguồn cung ứng lương thực của Nga và Ukraine mà còn bởi giá năng lượng, phân bón tăng cao từ cuộc chiến. Nga xuất khẩu 18% than, 11% dầu mỏ và 10% khí đốt toàn cầu, trong khi nền nông nghiệp thế giới cần nhiên liệu và phân bón, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi cần nguồn nguyên liệu, năng lượng.
Nga là nhà sản xuất và xuất khẩu phân bón số một thế giới. Nhờ nguồn khí đốt thiên nhiên dồi dào, nên Nga đồng thời là nhà sản xuất phân đạm và chất kali hàng đầu thế giới (Kali là hợp nhất chủ chốt dùng cho nhiều loại phân bón được sản xuất trên thế giới). Giá phân bón đã bắt đầu tăng mạnh kể từ đầu năm 2021 và nhảy vọt lên mức kỷ lục thời gian vừa qua. Có nhiều loại phân bón đã tăng từ 3-4 lần so với đầu năm ngoái. Giá phân bón tăng khiến nền nông nghiệp thế giới lao đao.
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Brussels (Bỉ) mới đây đã ra tuyên bố sẽ tăng cường các nỗ lực hỗ trợ lương thực và khuyến khích nông dân của họ mở rộng sản xuất nhằm ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Các “cường quốc nông nghiệp” tại châu Âu, Mỹ và Canada còn nhiều đất đai chưa được khai thác. Theo ước tính, Mỹ có cả chục triệu héc-ta đất “bảo tồn” và những người sở hữu được chính phủ trả tiền.
Thế nên, thượng nghị sĩ John Boozman, Chủ tịch Ủy ban Nông nghiệp của Thượng viện Mỹ, mới đây kêu gọi chính phủ nước này mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp nhằm giải quyết vấn đề lạm phát và mối lo an ninh lương thực. Vị này mạnh mẽ tuyên bố Mỹ là nước xuất khẩu nông nghiệp lớn nhất thế giới và có thể đảm bảo an ninh lương thực trong nước và quốc tế.