13/07/2020 - 20:40

Yếu tố Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 

Trung Quốc nhanh chóng trở thành vấn đề hàng đầu trong chiến dịch tranh cử ở Mỹ khi Tổng thống Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden “đấu võ miệng” để xem bên nào sẽ giành phần thắng trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh.

Hình ảnh ông Biden (phải) nâng ly chúc mừng ông Tập Cận Bình được phía ông Trump đem quảng bá tranh cử. Ảnh: AFP

Chiến dịch quảng bá của ông Trump

Theo đó, trong chiến dịch quảng bá tranh cử gần đây, phía ông Trump đã tung ra hình ảnh cho thấy ông Biden nâng ly chúc mừng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dù chính ông chủ Nhà Trắng đã hành động như vậy với ông Tập ngay tại Florida. Các cố vấn của ông Trump cũng tố ông Biden thân với Bắc Kinh khi giữ chức phó tổng thống dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama; cáo buộc ông này ký kết các thỏa thuận đa quốc gia cũng như nhiều thỏa thuận thương mại gây ảnh hưởng tới công ăn việc làm trên khắp miền Trung Tây nước Mỹ.

Trong khi đó, các cố vấn của ông Trump hết lời ca ngợi việc tỉ phú New York ký kết thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” với Trung Quốc hồi tháng 1, cho rằng thỏa thuận này giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán và bước đầu ngăn chặn leo thang thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới.

Tổng cộng, Nhà Trắng liệt kê hàng loạt hành động mà chính quyền ông Trump đã triển khai kể từ tháng 4 để bảo vệ việc làm, doanh nghiệp và chuỗi cung ứng Mỹ khỏi những thiệt hại do các chính sách của Trung Quốc gây ra. Peter Navarro, một trong những cố vấn kinh tế cấp cao của ông Trump, thậm chí còn tố Trung Quốc hủy hoại nền kinh tế Mỹ bằng virus corona; sử dụng các ứng dụng truyền thông xã hội như TikTok để đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ hòng làm ảnh hưởng lập trường chống Trung Quốc mạnh mẽ của ông Trump.

Joe Biden “ăn miếng, trả miếng”

Ðáp lại, các cố vấn của ông Biden chỉ trích Tổng thống Trump “nói một đằng, làm một nẻo” trong việc buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về cách ứng phó đại dịch COVID-19; tố ông vô trách nhiệm khi không thể kiểm soát được dịch bệnh. Ðặc biệt, phía ông Biden nói rằng chính ông Trump đã làm suy yếu quan hệ giữa Washington với các đồng minh, giúp Trung Quốc có nhiều không gian phát huy ảnh hưởng khi Mỹ rút khỏi các tổ chức quốc tế. Họ tuyên bố nếu ông Biden trở thành nhà lãnh đạo Mỹ tiếp theo, ông sẽ khôi phục quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh, tập hợp cộng đồng quốc tế nhằm thành lập một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc.

“Lời qua tiếng lại” giữa phía ông Trump và đối thủ được đưa ra trong bối cảnh cử tri xứ cờ hoa đang cân nhắc xem giữa ông Trump và Biden ai có thể bảo vệ Mỹ tốt hơn trong thương chiến với Trung Quốc, trước hành vi đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, hành động gây hấn gia tăng trên toàn cầu của Bắc Kinh. “Người nào trông có vẻ quỵ lụy trước giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ là người có nguy cơ thất bại trong cuộc bầu cử sắp tới” - Frank Luntz, chuyên gia về bầu cử của đảng Cộng hòa, nhận định.

Quả thật, cuộc thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Pew hồi tháng 3 cho thấy 66% người Mỹ được khảo sát có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc, mức cao nhất kể từ năm 2005. Cuộc thăm dò tương tự cũng cho thấy  62% người Mỹ xem sức mạnh và ảnh hưởng của Bắc Kinh là mối đe dọa lớn nhất của Washington, tăng mạnh so với mức chỉ 48% cách đây 2 năm.

Trả lời phỏng vấn của kênh Fox News ngày 12-7, cố vấn thương mại của Nhà Trắng Peter Navarro cho rằng Tổng thống Donald Trump có thể sẽ có hành động cứng rắn đối với các ứng dụng truyền thông xã hội TikTok và WeChat của Trung Quốc. Ông Navarro nêu rõ tất cả các dữ liệu được người dùng chia sẻ lên các ứng dụng di động nói trên có thể được chia sẻ với Chính phủ Trung Quốc. Ngoài ra, các ứng dụng này cũng có thể được sử dụng để đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, theo ông, Tổng thống Trump có thể sẽ đưa ra các “hành động mạnh mẽ” liên quan vấn đề này.

 TikTok hiện có khoảng 1 tỉ người dùng trên toàn thế giới. Theo công ty nghiên cứu eMarketer, tại Mỹ, số người dùng TikTok là hơn 52 triệu người, tăng 12 triệu người dùng trong thời gian dịch COVID-19. Ứng dụng này đặc biệt phổ biến với người dùng smartphone trẻ tuổi. Trong khi đó, WeChat - thuộc sở hữu của công ty Tencent, là ứng dụng nhắn tin phổ biến ở Trung Quốc với hơn 1 tỉ người dùng.

TRÍ VĂN (Theo AP, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết