28/05/2012 - 07:17

Xung quanh vụ một nhóm khủng bố Iran vận động hành lang thành công tại Mỹ

Tổ chức thánh chiến nhân dân Iran (MEK), một nhóm khủng bố bị cấm, đang tiến hành cái mà các thành viên Quốc hội Mỹ mô tả là “một trong những chiến dịch vận động hành lang thành công nhất từ trước tới nay tại Đồi Capitol”, khi giành được sự ủng hộ từ nhiều chính trị gia Mỹ trong nỗ lực thoát khỏi danh sách các nhóm khủng bố mà Mỹ đã liệt vào bấy lâu nay.

Một kiểu cổ động ủng hộ MEK ở Mỹ. Ảnh: AP 

Việc các chính trị gia có sức ảnh hưởng ủng hộ MEK đã khiến giới chức Mỹ ngạc nhiên, bởi tổ chức Hồi giáo cực đoan này từng gây ra nhiều vụ sát hại công dân Mỹ và có thời gian liên minh với cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Tổ chức này bị Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố năm 1997. MEK cũng bị một nhóm chuyên gia cố vấn hàng đầu của Mỹ chỉ trích là có những hành động thái quá, chẳng hạn như buộc các thành viên phải từ bỏ con cái để dành nhiều thời gian cho sự nghiệp. Vậy mà họ lại giành được sự ủng hộ ở Đồi Capitol nhờ tự nhận là “một sự lựa chọn dân chủ” thay cho chính phủ Iran hiện tại. Gần đây, họ đã giành được một phán quyết của tòa án trong đó yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi đề xuất danh sách các tổ chức khủng bố, xem xét lại trường hợp của MEK và ra quyết định có loại nhóm này ra khỏi danh sách hay không. Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo họ không thể đưa ra quyết định cho đến khi MEK xóa bỏ Trại lính Ashraf, doanh tại của MEK ở Iraq.

Một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với MEK là Dana Rohrabache, một nghị sĩ đảng Cộng hòa có tầm ảnh hưởng lớn trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện kiêm chủ tịch Tiểu ban Giám sát và Điều tra của ủy ban này. Những người tham gia vận động để giúp MEK thoát khỏi danh sách các tổ chức khủng bố bị cấm của Mỹ còn có cựu Giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA) James Woolsey, cựu Thị trưởng New York Rudolf Giuliani, cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa Tom Ridge và James Jones, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Barack Obama. MEK cũng được ủng hộ bởi những người trong quân đội, bao gồm Tướng George Casey, cựu Tổng tham mưu quân đội Mỹ và chỉ huy tại Iraq, Thiếu tướng David Phillips, chỉ huy lực lượng quân cảnh tại Iraq...

Tuy nhiên, việc MEK công khai chiến dịch vận động hành lang và mạnh tay đầu tư cho chiến dịch này, bao gồm những khoản đóng góp vào các nguồn quỹ quốc hội và số tiền thù lao khổng lồ dành cho các bài diễn văn ủng hộ MEK, đã dẫn tới một cuộc điều tra về các hành vi vi phạm pháp luật của các chính trị gia liên quan tới các giao kèo tài chính với các tổ chức bị cấm. Trong số những người đang bị Bộ Tài chính Mỹ điều tra có Tướng Hugh Shelton - cựu Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cựu giám đốc FBI Louis Freeh và Michael Mukasey, một tổng chưởng lý chuyên giám sát việc truy tố các vụ án khủng bố. Bộ này còn nắm giữ hồ sơ về cựu Thống đốc bang Pennsylvania, Edward Rendell, người đã nhận 160.000 USD để tham dự các hội thảo ủng hộ MEK tại Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ và Bỉ.

Mặc dù vậy, các quan chức và tướng lĩnh bị cho là đã nhận thù lao của MEK đều phủ nhận mọi cáo buộc liên quan, đồng thời biện minh việc làm của họ là “phù hợp” bởi họ không thấy có bằng chứng cho thấy nhóm này là một tổ chức khủng bố, mà chỉ là một “phong trào kháng chiến” (chống lại chế độ hiện thời ở Iran). Theo họ, sở dĩ Chính phủ Mỹ cấm MEK là “nhằm xoa dịu giới lãnh đạo Iran trong lúc Washington muốn cải thiện quan hệ với Tehran”. Còn chuyện Bộ Ngoại giao trì hoãn ra quyết định dỡ bỏ lệnh cấm đối với MEK chủ yếu là do lo ngại việc đó sẽ tổn hại đến các cuộc đàm phán xung quanh chương trình hạt nhân của Iran.

Không chỉ gây rắc rối cho những người ủng hộ, chiến dịch vận động cho tính hợp pháp của tổ chức thánh chiến MEK còn làm dấy lên lo ngại liệu nó có làm gia tăng sự ủng hộ đối với chủ nghĩa khủng bố hay không. Đa số những người ủng hộ MEK xem những bài diễn thuyết của họ nhân danh tổ chức này là vấn đề “tự do ngôn luận”. Tuy nhiên, các nhà chỉ trích lại cho rằng Quốc hội Mỹ và các cựu quan chức đang áp dụng “một tiêu chuẩn kép” vào luật chống khủng bố và cả những luật đã đẩy nhiều người vào tù vì hành vi ủng hộ một tổ chức bị cấm, dù ít trực tiếp hơn so với sự ủng hộ dành cho MEK bây giờ.

THANH TRÚC (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết