02/02/2010 - 09:22

Xung quanh các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống Iran

Bất chấp những lời đe dọa từ Washington, Trung Quốc vẫn tăng cường hợp tác khai thác năng lượng ở Iran. Ảnh: AFP

Một nhóm các tổ chức doanh nghiệp Mỹ mới đây cảnh báo Nhà Trắng rằng kế hoạch của Quốc hội mở rộng các biện pháp trừng phạt Iran, có thể hủy hoại nghiêm trọng những lợi ích an ninh và kinh tế Mỹ. Các tổ chức, trong đó có Phòng Thương mại Mỹ, Bàn tròn doanh nghiệp, Ủy ban khẩn cấp về thương mại Mỹ, Hiệp hội quốc gia các nhà sản xuất, Hội đồng ngoại thương quốc gia... đã ký thư gởi Tổng thống Barack Obama yêu cầu bác bỏ dự luật mới vừa được Thượng viện thông qua tuần rồi, cho phép áp lệnh trừng phạt các công ty cung cấp xăng dầu cho Iran, nhằm gây sức ép buộc Tehran từ bỏ chương trình hạt nhân. Hạ viện Mỹ cũng đã chuẩn thuận một dự luật tương tự trước đó và những khác biệt giữa hai dự luật sẽ được bàn luận trước khi kiện toàn thành luật.

Biện pháp mới không cho các công ty xuất khẩu xăng tới Iran hoặc giúp Tehran nâng cao công suất lọc dầu, vay vốn hay nhận bất kỳ hỗ trợ nào từ các định chế tài chính Mỹ. Nhiều ông nghị Mỹ cho rằng giải pháp này sẽ giúp Tổng thống Obama có thêm “phương tiện” gây sức ép đối với Tehran. Bởi cắt đứt nguồn cung xăng sẽ gây khó khăn cho kinh tế Iran, vốn nhập 40% nhu cầu xăng. Tuy có trữ lượng dầu lớn thứ ba thế giới, nhưng Iran thiếu năng lực lọc dầu.

Tuy nhiên, các tổ chức doanh nghiệp Mỹ cảnh báo rằng giải pháp trên của các ông nghị có nguy cơ phá hoại chiến lược xây dựng một nghị quyết trừng phạt chung, mà chính quyền Washington đang cật lực thương thảo với các nước đồng minh và một số cường quốc lớn tại Hội đồng Bảo an (HĐBA). Bởi biện pháp mở rộng sẽ “dính” tới các công ty xây dựng đường ống dẫn dầu khí tại Iran và các tập đoàn cung cấp tàu vận chuyển xăng dầu cho Iran, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh.

Gây khó khăn cho các công ty Mỹ và của các đồng minh trong buôn bán với Iran, nhưng dự luật mới gần như “vô hiệu” với các công ty Trung Quốc. Đầu tháng này, báo giới Mỹ tiết lộ nhiều công ty Trung Quốc bị cấm làm ăn với Mỹ vì bán công nghệ tên lửa cho Iran vẫn tiếp tục buôn bán với các công ty Mỹ. Ví như Tập đoàn xuất nhập khẩu cơ khí chính xác Trung Quốc (CPMIEC) đã thực hiện gần 300 chuyến xuất hàng cho các công ty Mỹ, kể từ khi bị áp lệnh cấm vào giữa năm 2006. Khả năng ngày càng có nhiều công ty nước ngoài bị cấm vẫn sẽ tiếp tục làm ăn với Mỹ, do lệnh cấm khó thực thi. Chịu trách nhiệm hơn 20 chương trình trừng phạt, nhưng cơ quan kiểm soát tài sản bên ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ chưa phạt bất kỳ công ty nào làm ăn với CPMIEC hay các công ty khác của Trung Quốc bị cấm năm 2006. Hơn nữa, các công ty bị cấm có thể thay đổi tên để lách lệnh trừng phạt của Mỹ.

Đầu năm 2009, Iran và Trung Quốc đã ký thỏa thuận trị giá 1,76 tỉ USD phát triển một mỏ dầu ở Đông Bắc Iran và hợp đồng sản xuất khí hóa lỏng trị giá 3,39 tỉ USD. Trong vòng 5 năm qua, Trung Quốc đã ký với Iran các thỏa thuận dầu tổng trị giá 120 tỉ USD. Thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Iran năm ngoái đạt 27 tỉ USD, tăng 35%. Thế nên, nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cuối tuần rồi thuyết phục Bắc Kinh chấp nhận lệnh trừng phạt mới của HĐBA đối với Iran một lần nữa thất bại, khi Bắc Kinh vẫn giữ lập trường đàm phán về Iran. Theo các nhà phân tích, Trung Quốc làm như vậy không chỉ tăng cường khả năng tiếp cận nguồn năng lượng của Iran, mà còn phá vỡ bất kỳ nỗ lực hành động đơn phương nào, trừng phạt kinh tế hoặc tấn công quân sự, nhằm vào Iran và cơ sở hạt nhân của nước này.

N. MINH
(Theo Reuters, WSJ, AP)

Chia sẻ bài viết