30/06/2021 - 10:58

Xoay trục phát triển “thuận thiên” ở ĐBSCL
Bài 3: Tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc 

 NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ

Vùng ÐBSCL có 13 tỉnh, thành phố, chiếm 12% diện tích và 19% dân số cả nước. Hằng năm, đồng bằng đóng góp 54% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu và 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng… cho cả nước; đồng thời, 20% lượng gạo tiêu thụ toàn cầu cũng từ đây. Song, vì sao ÐBSCL vẫn chưa thể bứt phá? Theo các chuyên gia, ÐBSCL vẫn còn nặng tư duy phát triển theo địa phương, thiếu liên kết nên khó giải quyết các thách thức nội tại và thách thức từ bên ngoài. Muốn đi đến tương lai thịnh vượng, ÐBSCL cần liên kết để tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc.

Định vị lại đồng bằng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trước khi có Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, ÐBSCL có 3,2 triệu héc-ta đất nông nghiệp. Trong đó có 1,82 triệu héc-ta trồng lúa, 860.000ha nuôi thủy sản, 385.000ha cây ăn trái. Sau khi nghị quyết được ban hành và 3 năm triển khai, diện tích đất lúa của vùng giảm còn 1,7 triệu héc-ta, diện tích trồng cây ăn trái tăng lên 450.000ha, diện tích nuôi thủy sản hơn 900.000ha. Một số mô hình chuyển đổi bước đầu đã giải quyết xung đột giữa vùng đệm, vùng mặn, vùng lợ, thích ứng với biến đổi biến đổi khí hậu (BÐKH) như: mô hình nuôi tôm bền vững; mô hình Sinh kế thích ứng với BÐKH; Nước sạch và môi trường; mô hình tiết kiệm năng lượng, đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời… được các địa phương phát triển.

Chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác cần có tính toán căn cơ. Ảnh: T.H

Ðể đầu tư các công trình, dự án phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sinh kế, an toàn cho người dân, giai đoạn 2016-2020, vốn đầu tư công do Bộ NN&PTNT quản lý đã đầu tư tại ÐBSCL khoảng 28.200 tỉ đồng (chiếm 29% tổng vốn do Bộ quản lý). Các kết nối kinh tế, kết nối hạ tầng nội vùng và với TP Hồ Chí Minh, vùng Ðông Nam Bộ cũng được mở rộng. Bước đầu đã hình thành mạng lưới sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nội địa, tạo nguồn xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cho TP Hồ Chí Minh và Ðông Nam Bộ. Có khoảng 1.165 dự án, vốn khoảng 280.000 tỉ đồng được các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh ký kết hợp tác với các địa phương ÐBSCL để thực hiện liên kết kinh tế và kết nối hạ tầng giao thông thực hiện Nghị quyết 120… Nhưng lãnh đạo các địa phương ÐBSCL vẫn cho rằng, những kết nối này vẫn chưa hiệu quả.

“Muốn phát huy lợi thế về nông nghiệp của ÐBSCL phải quy hoạch lại theo hướng tái cơ cấu một cách tổng thể vùng, chứ không chỉ tái cơ cấu của từng địa phương. Cần đặt ra tư duy mới, không nhìn ÐBSCL là một “trung tâm sản xuất nông nghiệp” nữa mà phải nhìn ÐBSCL là một “trụ cột” kinh tế, trong đó có lợi thế là sản xuất nông nghiệp” - ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp, bày tỏ quan điểm. Theo ông Nghĩa, hiện nhiều địa phương có thể phát triển năng lượng sạch, dịch vụ logistics, du lịch, khai thác từ biển… Ðây là những lợi thế mà ÐBSCL cần có sự huy tập. Thời gian qua, mỗi địa phương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp ở phạm vi địa phương, nên khó tạo thành một “trung tâm”, một vùng sản xuất hàng hóa lớn.

Còn theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, liên kết giữa các địa phương trong vùng để phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các vấn đề mang tính liên vùng chưa đi vào chiều sâu. Trên lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa hiệu quả (như vấn đề: cập nhật, theo dõi thông tin, tình hình sản xuất, sản lượng, chính sách và nhu cầu thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản của các tỉnh trong vùng ÐBSCL). Hội đồng điều phối vùng đã được thành lập và có quy chế hoạt động theo Quyết định số 825/QÐ-TTg ngày 12-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng cần làm rõ, thúc đẩy vai trò của Hội đồng để sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển, tăng giá trị sản xuất các ngành kinh tế giữa các địa phương trong vùng. Chỉ có liên kết, đồng bằng mới tạo ra các giá trị khác biệt, vươn xa hơn.

Hiểu đúng để hành động đúng

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Trường Ðại học Cần Thơ, cho biết, các địa phương ở ÐBSCL đã có sự chủ động trong chuyển đổi sản xuất, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn, đồng thời, chủ động trữ nước ngọt để ứng phó với tình trạng khô hạn mà không cần phải làm những công trình khác. Một số địa phương đang bắt đầu triển khai những dự án về năng lượng tái tạo; phát triển kinh tế tuần hoàn… Tuy nhiên, Nghị quyết 120 cũng còn một số vướng mắc cần tháo gỡ để trở thành một nghị quyết hoàn hảo cho ÐBSCL. Trong câu chuyện phát triển của đồng bằng cần liên kết tiểu vùng tiến đến liên kết vùng, liên vùng. Cần xem xét lại thể chế, pháp luật trong các ngành, lĩnh vực như: việc sử dụng ngân sách địa phương, luật bảo vệ môi trường, các luật liên quan phát triển kinh tế, đầu tư… Các địa phương cần ngồi lại rà soát, đề xuất với Chính phủ thay đổi để phù hợp hơn.

Thực tế, dù ÐBSCL có nhiều mô hình mới, nhưng vẫn chưa đủ sức tạo nên sự khác biệt. Vấn đề hạn, mặn, ô nhiễm môi trường, xây dựng thương hiệu... không thể giải quyết trên từng địa phương, mà cần liên kết vùng. Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, năm 2016, lần đầu tiên Cần Thơ ghi nhận nước mặn đã xâm nhập theo sông Hậu đến khu vực cảng Cái Cui (quận Cái Răng) và năm 2020 cũng đã ghi nhận có sự xâm nhập mặn đến nơi này. Trong khi Cần Thơ cách xa biển hơn 100km. Thực tế này, đòi hỏi cần thực hiện các giải pháp mang tính tổng thể, lâu dài. “Bên cạnh các giải pháp công trình và phi công trình, đòi hỏi các bộ ngành Trung ương và địa phương phải có sự liên kết, gắn kết chặt chẽ với nhau để có chiến lực hành động mang tính thống nhất và đồng bộ” - ông Phạm Trường Yên cho biết.

PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: “Nếu “thuận thiên” theo từng cái đơn lẻ sẽ không hiệu quả. Mà cần có một hệ thống, một phương pháp tiếp cận mới, có sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là người dân và các doanh nghiệp, dưới sự hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời đánh giá sản phẩm đưa ra thị trường, các rủi ro... để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thích ứng được với BĐKH. Từ đó đưa ra các kịch bản chuyển đổi phù hợp và hiệu quả”.

Nông sản đặc sản của ĐBSCL. Ảnh: V.C

Có những thách thức không thể giải quyết trên phạm vi của địa phương. TS Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, nêu thực tế: Gần đây, nhiều tỉnh ở ÐBSCL ồ ạt lên liếp trồng cây ăn trái. Sở dĩ có hiện tượng này này là do hạn mặn mấy năm qua khốc liệt và quỹ đất nông nghiệp cặp sông Tiền, sông Hậu không còn nhiều, do đất dành cho phát triển công nghiệp. Nghị quyết 120 với chủ trương “thuận thiên”, cho phép mạnh dạn chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, chuyển trục phát triển. Nhưng mỗi địa phương làm một kiểu, không có liên kết cùng nhau, mỗi vùng trồng mỗi cây thì khó mà có vùng chuyên canh lớn để mời gọi nhà đầu tư thu mua, bao tiêu, chế biến... Vấn đề khác là cây giống, đòi hỏi rất nhiều sự liên kết giữa các bên liên quan. Rồi công tác đào tạo, huấn luyện cho nông dân. Không thể ngày một ngày hai mà nắm vững hết kỹ thuật, cây ăn trái không như cây lúa, kỹ thuật phức tạp hơn nhiều. Ða dạng cây trồng là chủ trương đúng nhưng phải thực hành đúng mới có hiệu quả.

Theo TS Dương Văn Ni, Trường Ðại học Cần Thơ, trong thời gian dài, ÐBSCL chạy theo những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, nên nhiều giống cây trồng truyền thống bị mai một. Ví như cây lúa, trước kia ông cha ta đã tuyển chọn ra gần 3.000 giống lúa mùa và mỗi giống thích nghi trong vùng đặc thù khác nhau, có giống vùng khô hạn, vùng ngập sâu… nhưng nhiều giống lúa giờ không còn. Vì vậy, việc phục hồi, giữ gìn sự đa dạng sinh học cho vùng ÐBSCL đang là vấn đề rất cấp thiết, nhằm tạo sinh kế ổn định và bền vững cho người dân. “Các địa phương cần chú ý việc đa dạng trên đất nông nghiệp để có những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có giá trị kinh tế cao và ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Ðây là vấn đề rất quan trọng, nhưng đôi khi chúng ta bỏ quên” - TS Ni đề xuất.

Bài 4: Linh hoạt trong điều kiện mới

Chia sẻ bài viết