Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH) là Nghị quyết thể hiện tầm nhìn chiến lược với chủ trương phát triển “thuận thiên”, tạo xung lực phát triển cho ÐBSCL. Ðồng thời chủ động hóa giải các thách thức nội tại và các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mekong. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết “thuận thiên” đã tạo chuyển biến trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, ngành, địa phương vùng ÐBSCL, người dân, doanh nghiệp (DN) tích cực hưởng ứng. Ðồng bằng đang xoay trục phát triển, hướng đến một tương lai thịnh vượng.
Tháng 3-2021 tại TP Cần Thơ, Thủ tướng chủ trì Hội nghị lần thứ 3 về phát triển ÐBSCL thích ứng với BÐKH đã đúc kết: Hơn 3 năm qua, kinh tế nông nghiệp ở ÐBSCL là lĩnh vực chuyển đổi rõ nét nhất trong thực hiện Nghị quyết 120. Cả nhà nông, nhà DN, nhà quản lý không còn nặng tư duy chạy theo số lượng, mà chú trọng đến chất lượng và an toàn sản xuất, an toàn tiêu dùng. Bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực như: tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây… gắn với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, phù hợp với chủ trương xoay trục “tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa”. Xoay trục rõ nét nhất là ở các địa phương ven biển.
Mô hình nuôi tôm nước lợ tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HÀ VĂN
Gam màu sáng ven biển
ThS Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái ÐBSCL, nêu quan điểm: Trước đây, cây lúa là ưu tiên số một, kế đến cây ăn trái và thủy sản. Bây giờ xoay lại thủy sản số một, kế đến là cây ăn trái và lúa. Nghị quyết 120 xem nước ngọt, nước lợ và nước mặn đều là tài nguyên chứ không chỉ có nước ngọt. Ðây là tầm nhìn chiến lược rất quan trọng. Trong 3 năm qua, Chính phủ đã giao các bộ, ngành phối hợp các địa phương và đơn vị liên quan thực hiện 2 nhiệm vụ chính. Thứ nhất là chương trình tổng thể chuyển đổi nền nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thủ tướng đã ký thông qua trong tháng 3-2020. Thứ 2 là Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì soạn thảo Quy hoạch vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Ðây là quy hoạch tích hợp mang đến vận hội mới cho ÐBSCL đi tới một tương lai thịnh vượng.
GS.TS Võ Tòng Xuân cũng cho biết: “Trong 3 năm qua, nhiều chương trình, hành động thích ứng BÐKH được các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện theo hướng “thuận thiên”. Rõ nhất là tại vùng mặn ven biển, mô hình lúa - tôm nước lợ tăng nhanh, thích ứng thời kỳ xâm nhập mặn. Nhà nước cũng tập trung đầu tư nhiều hơn cho thủy lợi để đảm bảo an ninh lương thực. Nhiều địa phương trong vùng ÐBSCL đã sử dụng kinh phí của địa phương hỗ trợ nông dân làm mô hình lúa - tôm, trồng cây ăn trái... lợi ích gấp 4-5 lần cây lúa. Những chuyển đổi này đã dựa trên thế mạnh của từng tiểu vùng sinh thái tại ÐBSCL, từng bước giải quyết xung đột giữa các mô hình kinh tế”. GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, mặc dù đâu đó vẫn còn mang tính phong trào, tự phát nhưng có thể nói mô hình chuyển đổi thành công này đang truyền cảm hứng cho nông dân.
“Nông nghiệp ở ÐBSCL bây giờ hướng tới sự đa dạng, dựa vào tài nguyên, thích nghi với xâm nhập mặn, sự thay đổi thị trường… Mô hình lúa - tôm ở các địa phương ven biển đang phát triển mạnh và nó phù hợp với điều kiện nước mặn ngày càng xâm nhập sâu vào đất liền, nước ngọt khan hiếm hơn. Mô hình này còn cải thiện sinh kế và thu nhập cho nông hộ, cũng không tạo gánh nặng sản xuất lúa cho khu vực khác. Ðó là nền tảng để hướng tới sự ổn định, bền vững trong tương lai.”- PGS.TS Lê Anh Tuấn, Trường Ðại học Cần Thơ, nhận định.
Biến thách thức thành cơ hội
Tận dụng tài nguyên nước mặn, nông dân ven biển bắt đầu nhìn lại quá trình hơn 35 năm chống chọi với nước mặn, xem nước mặn là “kẻ thù” để bắt đầu câu chuyện đổi mới. Diện tích nuôi tôm nước lợ ở ÐBSCL có khoảng 669.000ha (chiếm 92,9% diện tích tôm cả nước), hằng năm mang về cho quốc gia hàng tỉ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động. Ðây là ngành hàng không chỉ là thế mạnh của đồng bằng mà còn là sản phẩm chủ lực trong kim ngạch xuất khẩu quốc gia.
Nhiều địa phương xác định tôm nước lợ là ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2020, tỉnh Sóc Trăng đã phát triển diện tích nuôi tôm hơn 51.000ha, sản lượng đạt hơn 187.000 tấn, vượt 12% kế hoạch năm và có nhiều mô hình “ăn nên làm ra”. Ông Phạm Văn Mừng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Toàn Thắng, xã Vĩnh Hiệp (thị xã Vĩnh Châu), cho biết: “HTX có 50 thành viên, diện tích nuôi tôm hơn 76ha. Tôm sản xuất theo quy trình VietGAP, ASC và được công ty ký hợp đồng thu mua chế biến xuất khẩu. HTX cũng liên kết với các công ty cung cấp tôm giống, thuốc thủy sản… nên giá thành nuôi tôm giảm hơn 20% so với mua bên ngoài. Các thành viên HTX yên tâm sản xuất, lợi nhuận được đảm bảo, ai nấy đều phấn khởi!”.
Cũng là HTX có tiếng trong ngành tôm nuôi nước lợ ở Sóc Trăng, HTX Thủy sản Hưng Phú (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) ngoài ký kết với DN tiêu thụ sản phẩm, còn mở hướng sang du lịch. “Diện tích nuôi tôm của HTX 125ha, sản lượng tôm ước 750 tấn/năm, tôm nuôi theo tiêu chuẩn ASC và được DN bao tiêu đầu ra. HTX chuyển đổi một phần diện tích nuôi tôm chuyên canh sang nuôi tôm kết hợp nuôi cá, nhằm phục vụ du lịch sinh thái. Ðồng thời nâng cao chuỗi giá trị sản xuất tôm cá bằng cách chế biến tôm khô, cá khô, liên kết các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch, cửa hàng OCOP, siêu thị trong và ngoài tỉnh để cung cấp sản phẩm” - ông Trần Quang Cần, Giám đốc HTX Thủy sản Hưng Phú thông tin.
Nuôi tôm càng xanh toàn đực giúp gia đình anh Trần Ða Lộc, xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre cải thiện cuộc sống. Ảnh: T.HÀ
Khi nông dân các tỉnh ven biển ÐBSCL không bị “trói buộc” bởi các mô hình “ngọt hóa” vùng mặn, họ đã linh động hơn trong chuyển đổi sinh kế. Trước đây, anh Trần Ða Lộc ở ấp An Khương, xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre liên tục thất bại với con tôm sú, do dịch bệnh đốm trắng, rủi ro thị trường, kinh tế gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Cuối năm 2018, anh Lộc được dự án thích ứng BÐKH vùng ÐBSCL tại tỉnh Bến Tre (AMD) hỗ trợ chuyển đổi từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm càng xanh toàn đực xen trong ruộng lúa. Theo anh Lộc, điều kiện tự nhiên 6 tháng mặn, 6 tháng ngọt, nên người dân sống “thuận thiên” theo mùa; 6 tháng nước ngọt thì trồng lúa kết hợp nuôi tôm. Tôm càng xanh toàn đực thích nghi được mặn lên đến đến 15‰, lại ít bị bệnh, năng suất cao và thu hoạch kéo dài qua đến 6 tháng nước mặn.
“Dự án hỗ trợ tôi nuôi tôm càng xanh toàn đực trên 7.000m2. Sau 6 tháng nuôi, giá bán từ 180.000-200.000 đồng/ kg, cứ mỗi vụ tôm tôi thu gần 70-80 triệu đồng, trừ đi chi phí lãi 45-50 triệu đồng. Năm 2020, tôi mở rộng lên 8.000m2. Nhờ chuyển đổi mô hình mà kinh tế gia đình đã khá lên và tôi đang tiếp tục mở rộng thêm vùng nuôi” - anh Lộc cho hay. Mô hình tôm càng xanh toàn đực kết hợp trồng lúa giờ là hình thức canh tác “thông minh” mang lại lợi nhuận tăng thêm cho nông dân ở xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú. Nhiều gia đình phất lên nhờ con tôm như hộ anh Lê Văn Dương, hộ chị Nguyễn Thị Lùng ở ấp An Khương cũng từng tham gia mô hình do Dự án AMD hỗ trợ.
Chủ động trong chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản phù hợp trong điều kiện nguồn nước, khí hậu có nhiều thay đổi ở ÐBSCL đã tạo xung lực mới cho sự phát triển của vùng. Triển khai Nghị quyết 120, không chỉ là sự chuyển đổi tư duy “thuận thiên” nữa mà nông dân đã chủ động sống chung với các điều kiện thời tiết thay đổi.
PGS.TS Lý Nguyễn Bình, Phó Trưởng Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Trường Đại học Cần Thơ), cho rằng: ĐBSCL cần chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy, tập trung chủ yếu là lúa sang nông nghiệp đa dạng nhiều loại cây trồng vật nuôi. Bởi nhu cầu tiêu thụ các loại rau quả, cá và thịt sữa trong bữa ăn hằng ngày của người tiêu dùng trên thế giới đang tăng, dư địa cho sản xuất rau quả và các sản phẩm protein là rất lớn, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản. Giảm lúa còn để thích ứng với tình trạng khan thiếu nguồn nước ngọt hiện nay.
Bài 2: Tâm thế “sống chung” với sự thay đổi của tự nhiên
NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ