29/06/2021 - 13:18

Xoay trục phát triển “thuận thiên” ở ĐBSCL
Bài 2: Tâm thế “sống chung” với sự thay đổi của tự nhiên 

Trục phát triển Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ với thứ tự ưu tiên là thủy sản - trái cây - lúa không chỉ giúp ĐBSCL chủ động chuyển đổi diện tích cây trồng, vật nuôi mà còn thích hợp trong điều kiện nước ngọt khan hiếm, hạn mặn ngày càng khốc liệt. Tư duy quản lý cũng đang thay đổi. Câu chuyện trữ nước ngọt mùa khô, mô hình nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu đã tạo sức lan tỏa nhất định.

“Cuộc cách mạng” trong tư duy quản lý

Mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng thanh long ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: T.HÀ

Mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng thanh long ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: T.HÀ

Suốt 3 thập niên qua, với 3 vụ lúa/năm trải rộng khắp ĐBSCL đã đe dọa nghiêm trọng “sức khỏe” đất đai của vùng. “Khó khăn nội tại, cùng với các hoạt động phát triển ở thượng nguồn, tình trạng thiếu không gian hấp thu lũ ngay tại ĐBSCL và “mất liên lạc” giữa sông, biển và đất liền do đê bao, cống đập ngăn lũ, ngăn mặn cho đồng ruộng, vườn cây ăn trái… làm mất nguồn phù sa, nguồn thủy sản trong tự nhiên và đe dọa sự phát triển bền vững của đồng bằng” - ThS Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL, phân tích.

Trước thách thức nội tại và thách thức từ bên ngoài, buộc các địa phương phải chuyển đổi tư duy quản lý và hành động. Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, khẳng định: Nghị quyết 120 là “cuộc cách mạng mới” cho sự chuyển đổi và phát triển của ĐBSCL. Đồng Tháp đã chuyển đổi thành công tư duy sản xuất của người dân, cũng như tư duy của lãnh đạo để thay đổi phương thức phát triển. Từ sản xuất 3 vụ lúa/năm, tỉnh đã giảm dần còn 2 vụ, nhất là giảm lúa vụ 3 nhằm giảm lượng sử dụng nước. Để đảm bảo an ninh nguồn nước và chia sẻ nguồn nước cho các tỉnh, Đồng Tháp đã quy hoạch xây dựng 3 hồ chứa nước ngọt và đang chờ bố trí vốn đầu tư của Trung ương.

Tỉnh Tiền Giang, trong 3 năm trở lại đây, ứng phó với điều kiện nước ngọt ngày càng khan hiếm, nông dân các huyện phía Tây của tỉnh đã chuyển 10.000ha đất lúa sang trồng mít, sầu riêng, bưởi da xanh… Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, những mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp tỉnh đều hướng đến sự thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm sống chung với lũ, ngập, nước lợ, mặn. Trong triển khai Nghị quyết 120, Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông đến năm 2025” được đánh giá hiệu quả và thành công trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt. Từ khi triển khai đề án đến nay, tỉnh đã cắt vụ và chuyển đổi trên 42.500ha đất lúa, đất kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác… thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa.

Là tỉnh thuần nông, cụ thể hóa Nghị quyết 120, Hậu Giang đã chuyển đổi hơn 4.815ha diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái và kết hợp nuôi trồng thủy sản... và hiện nay đã đạt 85,7% mục tiêu kế hoạch đề ra. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Tỉnh tập trung nguồn lực xây dựng ngành Nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, đầu tư trọng điểm Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang, xây dựng các vùng nguyên liệu và đầu tư hạ tầng hỗ trợ; cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng thủy sản - trái cây - lúa gạo. Tỉnh hiện có 10 sản phẩm nông, thủy sản chủ lực đã được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và đang đẩy mạnh việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Theo Cục Trồng trọt, diện tích chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, cây ăn trái ở ĐBSCL tăng qua từng năm. Nếu năm 2010, diện tích cây ăn trái của vùng 287.300ha, đến nay đã tăng lên 450.000ha. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Các địa phương cũng đã định vị lại các vùng sản xuất, nông dân chủ động trữ nước ngọt, sử dụng nước hợp lý, gắn với áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật được ngành chức năng khuyến cáo để chăm sóc, bảo vệ vườn cây... nhằm đảm bảo thu nhập cho nông hộ. Các công trình phòng chống hạn, mặn do Trung ương và địa phương đầu tư đã làm giảm thiểu được thiệt hại cho vườn cây ăn trái trong các mùa hạn, mặn.

Nhà nông “thức thời”

Là một trong những nông dân đi đầu thực hiện đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng” ở tỉnh Tiền Giang, ông Trần Văn Toàn ở ấp Xóm Rẫy, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông có 2ha đất lúa chuyển sang trồng thanh long. Ông Toàn cho biết: “Canh tác lúa vụ trúng, vụ thất, có vụ mất trắng do thiếu nước sản xuất. Năm 2017, tôi chuyển sang trồng thanh long. Nhà nước hỗ trợ 3 triệu đồng/ha và được tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc. Đến nay, sau 2 đợt thu hoạch, tôi đã thu hồi được vốn đầu tư. Trồng thanh long được doanh nghiệp bao tiêu nên thu nhập gấp hơn 10 lần so với trồng lúa”. Còn nông dân Lê Văn Ê, ấp Mỹ Trinh A, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) cũng chuyển đổi 0,7ha đất lúa sang trồng mít hơn 4 năm nay. “Trước đây, trồng lúa chỉ đủ ăn. Ăn trước, trả sau cứ lặp đi lặp lại. Giờ vườn mít cho thu nhập gấp 5-10 lần trồng lúa. Cuộc sống gia đình không còn vất vả nữa” - ông Ê chia sẻ.

3 năm qua, chuyện “né” mặn, trữ nước ngọt cũng dần phổ biến ở đồng bằng. Ở Chợ Lách - huyện cách xa biển nhất của tỉnh Bến Tre, trước đây nước ngọt quanh năm, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng chục triệu cây giống và sản phẩm hoa kiểng. Nhưng 5 năm gần đây, các tháng mùa khô, nước mặn đã lan khắp huyện. Anh Trần Thanh Thảo, Chủ cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống ăn trái Thanh Thanh ở ấp Hưng Nhơn, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, nói: Rút kinh nghiệm thiệt hại qua các đợt hạn mặn rồi, giờ hầu hết nông dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống ở đây đã chủ động đào ao và đầu tư, mua sắm nhiều loại dụng cụ để trữ nước ngọt từ mùa mưa nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trong mùa khô.

Đến vườn nhãn của anh Trần Văn Khánh, ở ấp An Lạc, xã An Thạnh Tây (Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) chúng tôi cảm nhận ngay được sự năng động và “thức thời” của nông dân. “Mấy năm gần đây, vườn nhãn của tôi chưa từng thiếu nước tưới. Dưới ao tôi lót bạt để chứa nước ngọt, bí quyết giúp cây nhãn chống chọi hạn mặn” - anh Khánh cho biết. Sống trong vùng xâm nhập mặn, anh Khánh phải canh từng con nước để bơm vào mương vườn và dùng bạt cao su lót cho các mương vườn trữ nước ngọt. Anh còn đầu tư hệ thống tưới phun tự động, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, nhờ vậy mà vườn nhãn phát triển xanh tốt và cho trái quanh năm...

Nông dân rất năng động, nhưng sự chuyển đổi nhìn chung vẫn còn tự phát, manh mún; các cơ sở hạ tầng đi kèm phục vụ cho việc sản xuất những loại cây trồng vật nuôi mới tại nhiều địa phương chưa được đảm bảo. Nói như ông Lê Văn An, ở xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, “Thời gian qua, nhiều hộ dân đã chuyển từ sản xuất độc canh cây lúa sang mô hình lúa - tôm, lợi nhuận cao 3-4 lần so với trước. Tuy nhiên, nông dân thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị thua lỗ, do giá cả đầu ra bấp bênh. Ngoài ra, hạ tầng thủy lợi chưa đảm bảo cho sản xuất và chất lượng nguồn tôm giống cũng chưa đảm bảo, dẫn đến khó quản lý dịch bệnh, nguồn nước… rủi ro cao nên nông dân chưa an tâm”. Vì vậy, đồng bằng cần vượt qua “lời nguyền”: được mùa, rớt giá. Giải quyết bài toán này cần sự chung sức của toàn vùng.

ThS Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL, nói: “ĐBSCL đang đứng trước “ngã 3 đường”. Thâm canh lúa quá lâu đã tạo ra nhiều bất cập, nên cần có sự chọn lựa mới, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các hoạt động ở thượng nguồn. Nếu đi theo “hướng cũ” sẽ rất khó. Chúng ta cần chuyển hướng theo Nghị quyết 120 để đi tới tương lai thịnh vượng cho ĐBSCL”.

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ

Bài 3: Tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc

Chia sẻ bài viết