26/03/2024 - 22:57

Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa hướng đến hội nhập 

Những năm qua, các cấp Hội Nông dân thành phố đã hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản, từng bước hướng đến nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế. Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa nông sản đem lại nhiều lợi ích, sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, đầu ra ổn định và bán được giá cao.

Ông Phạm Văn Lơ (bìa phải) trồng nhãn theo hướng VietGAP đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. 

Trồng nhãn tiêu chuẩn VietGAP

Năm 2023, ông Phạm Văn Lơ ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Ðiền là một trong 100 nông dân xuất sắc Việt Nam được Trung ương Hội Nông dân bình chọn. Có được kết quả như ngày hôm nay, ông Lơ không quên những ngày đầu khi mới trồng nhãn Idor. Theo ông Lơ, trước khi trồng nhãn Idor, 1ha vườn từng trồng nhãn da bò của ông có thu nhập khá cao. Tuy nhiên, vào thời điểm 2011-2012, dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn da bò khiến cho người trồng tốn nhiều công chăm sóc nhưng năng suất bị tụt giảm, giá cả bấp bênh, hiệu quả kinh tế thấp.

Năm 2014, Hội Nông dân huyện Phong Ðiền tổ chức đi tham quan các mô hình làm ăn hiệu quả ở Vĩnh Long và ông Lơ là một trong những thành viên của đoàn. Ông nhận thấy giống nhãn Idor có ưu điểm kháng được bệnh chổi rồng, năng suất cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Cuối năm đó, ông Lơ đốn bỏ 1ha nhãn da bò để trồng nhãn Idor. Ông đi tham quan nhiều nhà vườn để học tập kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc rồi về ứng dụng vào vườn nhãn của gia đình. Sang năm thứ 2, vườn nhãn đã phát triển xanh tốt. Ðến năm thứ 3, vườn nhãn cho trái chiếng. Ông Lơ nhớ lại: “Do chưa có kinh nghiệm trong việc xử lý nhãn ra hoa và kỹ thuật chăm sóc nên vụ nhãn đầu tiên tôi thu hoạch được 5 tấn, bán với giá 20.000 đồng/kg. Những năm sau đó, vườn nhãn tiếp tục tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn”. Năm 2023, vườn nhãn của ông Lơ thu hoạch được hơn 20 tấn trái, thương lái đến tận vườn thu mua với giá 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông Lơ còn lời gần 500 triệu đồng. Hiện tại, vườn nhãn của ông Lơ trái xum xuê và đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch, hứa hẹn thêm một vụ mùa bội thu.

Năm 2018, Hợp tác xã (HTX) nhãn Idor Nhơn Nghĩa được thành lập, ông Lơ làm giám đốc. Hiện tại, HTX có 29 xã viên tham gia với diện tích 22,5ha. Từ khi thành lập HTX, nhiều xã viên trong tổ đã được Hội Nông dân xã Nhơn Nghĩa phối hợp các ngành mở lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc nhãn Idor nên năng suất cao. Theo ông Lơ, từ năm 2018 đến nay, ông Lơ và các xã viên trồng nhãn theo xu hướng canh tác hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP, trái nhãn đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu. Ông Lơ cho biết: “Năm 2022, chúng tôi đã đăng ký nhãn hiệu nhãn Thanh Trí và được Cục Sở hữu trí tuệ xem xét và chấp nhận đơn, thông báo đơn hợp lệ. Năm 2023, HTX nhãn Idor Nhơn Nghĩa đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp thành phố. Hiện nay, HTX nhãn Idor Nhơn Nghĩa đã gửi hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng với mong muốn nhãn Idor của HTX được đến với doanh nghiệp nhãn Idor xuất khẩu chính ngạch, tăng thu nhập và tạo đầu ra ổn định cho xã viên”.

Gạo My Hậu

Ðể tạo được thương hiệu “Gạo My Hậu” do mình làm ra, ông Dương Ðình Vũ ở ấp Vĩnh Phụng, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh đã mạnh dạn trồng lúa ST24 và Ðài Thơm 8 theo hướng hữu cơ trên diện tích trên 2,5ha; đầu tư kho trữ lúa và các trang thiết bị để làm gạo sạch. Cùng với đó, ông Vũ được địa phương hỗ trợ tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP)… Hiện nay, các sản phẩm mang thương hiệu “Gạo My Hậu” đã được công nhận OCOP 3 sao, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, từ đó không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông, mà còn trở thành mô hình kinh tế điển hình của địa phương.

 “Gạo My Hậu” đã được công nhận OCOP 3 sao. Ảnh: T.T

Chia sẻ quá trình chuyển hướng canh tác lúa theo hướng hữu cơ, ông Vũ nói: “Trước đây, gia đình tôi trồng lúa hàng hóa theo cách cũ, tốn nhiều chi phí đầu tư do dùng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… trong sản xuất. Hạt lúa làm ra còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, không đảm bảo chất lượng an toàn, lúa bán ra không có giá cao. Năm 2018, tôi quyết tâm trồng lúa theo hướng hữu cơ theo xu thế của thị trường”. Ông Vũ học hỏi kỹ thuật và áp dụng các biện pháp canh tác hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật… Cách làm này, năng suất không cao, bình quân 1 công đất (1.300m2) trồng lúa hữu cơ, đạt năng suất khoảng 800kg, thấp hơn 200kg so với cách làm cũ. Nhưng đổi lại hiệu quả kinh tế cao hơn, bởi chất lượng hạt lúa làm ra được nâng lên, bán được giá hơn so với mặt bằng chung của thị trường. Bình quân 1ha lúa trồng theo hướng hữu cơ sẽ mang lại giá trị cao hơn 8-10 triệu đồng so với trồng lúa thông thường.

Bên cạnh đó, ông Vũ còn tận dụng nguồn nguyên liệu lúa sạch do mình làm ra, đầu tư xây dựng kho trữ lúa với sức chứa 70 tấn; đồng thời, liên kết với đơn vị xay xát lúa gạo tại địa phương để làm gạo sạch, xuất bán ra thị trường. Ông Vũ còn thiết kế bao bì sản phẩm với hình ảnh bắt mắt, trang bị thêm máy đóng gói để làm gạo sạch dạng túi, có trọng lượng 5kg/túi. Hiện nay, mỗi tháng ông Vũ xuất bán ra thị trường khoảng 2 tấn gạo ST24 và Ðài Thơm 8, chủ yếu cung cấp cho các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch ở TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh, với giá 22.000-27.000 đồng/kg. Ðặc biệt, tháng 11-2023, các sản phẩm gạo sạch, mang thương hiệu “Gạo My Hậu” đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ðây chính là bước đệm, giúp nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm “Gạo My Hậu” trên thị trường.

“Rau ăn lá Lắm”

“Rau ăn lá Lắm” là nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ nhãn hiệu năm 2019. Ông Phạm Văn Lắm ở khu vực 3, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, cho biết: “Năm 2019, tôi được Hội Nông dân phường và các ngành chức năng quận hỗ trợ nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nông sản. Sau khi Cục Sở hữu trí tuệ xem xét và chấp nhận đơn, thông báo đơn hợp lệ và được cấp chứng nhận, thiết kế logo cho sản phẩm nông sản. Rau ăn lá được trồng theo quy trình, tiêu chuẩn, có giấy chứng nhận, sản phẩm làm ra có nguồn gốc xuất xứ nên người tiêu dùng rất an tâm”.

Mô hình trồng rau trong nhà lưới theo hướng hữu cơ của ông Phạm Văn Lắm mang lại thu nhập ổn định. Ảnh: T.T

Khu vực trồng rau màu trong nhà lưới của ông Lắm có diện tích 2,5 công được phủ kín bởi màu xanh của các loại rau cải đang chờ ngày thu hoạch. Hơn 14 năm trồng rau cải, ông Lắm từng thắc thỏm về thời tiết, sâu bệnh tấn công... Từ năm 2017, ông Lắm đầu tư làm nhà lưới, hệ thống tưới nước 2,5 công ruộng với chi phí 60 triệu đồng để chuyển sang trồng màu chuyên canh. Nhờ ứng dụng mô hình trồng rau trong nhà lưới, năng suất cao gấp nhiều lần so với cách trồng truyền thống. Ông Lắm cho biết: “Ưu điểm của việc trồng rau trong nhà lưới, người trồng điều tiết được nhiệt độ, khắc phục được dịch bệnh, ít sâu hại, hạn chế phun thuốc nên các loại rau đạt năng suất cao, chất lượng đảm bảo”.

Ngoài ra, ông Lắm sử dụng tro trấu, phân rơm, phân bò ủ với chế phẩm vi sinh để bón cho rau, nhẹ công chăm sóc, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với diện tích 2,5 công đất trồng màu, trung bình mỗi tháng ông Lắm xuất bán 4-6 tấn rau cải. Tùy thời điểm và tùy loại, thương lái đến thu mua với giá từ 5.000-40.000 đồng/kg. Cứ thu hoạch xong đợt cũ, ông Lắm tranh thủ vệ sinh bờ, liếp để trồng lại đợt rau mới. Nhờ đó, mỗi ngày ông Lắm đều cung cấp rau, cải ra thị trường, thu nhập luôn được ổn định.

Từ năm 2016 đến nay, Hội Nông dân thành phố phối hợp với các ngành có liên quan đã hỗ trợ xây dựng được 39 nhãn hiệu hàng hóa nông sản; trong đó, có 28 nhãn hiệu có giấy chứng nhận, còn lại là có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ, thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ, xem xét trong thời gian tới.

Bài, ảnh: T.T

 

Chia sẻ bài viết