08/01/2011 - 09:51

KHU VỰC 2, PHƯỜNG AN KHÁNH

Vươn tới cuộc sống mới

Ban nhân dân khu vực 2 và bà con thường xuyên thăm ông Phùng Văn Gấm
(thứ hai từ phải sang). Ảnh: LỆ THU

Dù thuộc quận trung tâm Ninh Kiều nhưng hơn 5 năm về trước, khu vực Thới Nhựt, phường An Bình, vẫn là một vùng ven, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Năm 2007, khu vực Thới Nhựt được tách thành nhiều khu vực và một phần trở thành khu vực 2, phường An Khánh hiện nay. Nơi đây đang có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, khiến đời sống nhân dân ngày càng cải thiện nhưng cũng nảy sinh không ít những bất cập. Khu vực 2 đang từng bước khắc phục khó khăn để vươn tới cuộc sống mới...

Dưới chân cầu Rạch Ngỗng 2, bên trái của đường Nguyễn Văn Cừ nối dài có một con hẻm có biệt danh là “Hẻm lò mổ”, do trong hẻm có lò giết mổ gia súc của một xí nghiệp chế biến thực phẩm. Hẻm này là một “điểm nóng” của TP Cần Thơ cũ. Hẻm vừa vắng, vừa tối, nhà dân thưa thớt... là môi trường thuận lợi cho các đối tượng nghiện ngập, đầu trộm đuôi cướp... tụ tập. Mặt khác, lò giết mổ khi hoạt động còn nhiều bất cập làm ảnh hưởng đến môi trường sống của bà con trong hẻm. Thế nhưng hiện nay, “Hẻm lò mổ” thuộc khu vực 2 đã có nhiều thay đổi: hẻm có tên gọi mới là “Hẻm liên tổ 14-13-12-11-10”, đường hẻm được nâng cấp mở rộng, đèn chiếu sáng được lắp đặt đầy đủ, nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên, điều kiện vệ sinh môi trường tốt hơn trước...

Ông Huỳnh Quốc Trung, Trưởng Khu vực 2, khoe với chúng tôi: “Năm 2009 và 2010, khu vực đã vận động nhân dân và mạnh thường quân đóng góp được 220 triệu đồng nâng cấp đường và lắp đặt hệ thống chiếu sáng ở hẻm này mới được như vậy”. Nhà dân đông hơn, đường sá thông thoáng, đèn chiếu sáng suốt đêm nên tệ nạn xã hội tuy chưa hết tuyệt đối nhưng đã giảm đáng kể so với trước. Chính quyền địa phương đã làm việc với lò mổ để sắp xếp lại trật tự, thời gian làm việc, số lượng xe chở hàng, an toàn vệ sinh thực phẩm... nên hạn chế sự phiền hà với dân cư.

Thử đi một vòng qua khu vực 2, sẽ thấy nơi này hoàn toàn khác trước: đường sá, nhà cửa khang trang, sạch đẹp hơn. Có những con đường do Nhà nước đầu tư xây dựng, có nơi do Nhà nước và nhân dân cùng làm và có chỗ bà con tự góp công góp của nâng cấp, sửa chữa... Đơn cử như tuyến hẻm nằm cặp theo nhánh sông giữa cầu Rạch Ngỗng 2 và Rạch Ngỗng 1. Trước đây, đường hẻm xuống cấp nặng nên thường bị ngập sâu mỗi lần triều cường hoặc mưa lớn. Giờ là con đường bê tông cao ráo, phẳng phiu, bà con ai cũng phấn khởi.

Bên cạnh những thay đổi đáng mừng, khu vực 2 cũng gặp nhiều thách thức. Do mới chia tách, lại có nhiều dự án qui hoạch trên địa bàn nên các khu có đông dân cư sinh sống gặp khó khăn về điện, nước. Mật độ người cư trú tăng: từ trên 200 hộ giờ đã trên 900 hộ, khiến tình hình an ninh trật tự nảy sinh nhiều phức tạp. Mặt khác, dân cư nơi đây nửa nông nghiệp, nửa thị dân nên để thay đổi nếp nghĩ, nếp sống và kết nối được người dân với nhau xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị là cả vấn đề.

Để xây dựng khu vực theo chuẩn văn hóa, các ban ngành, đoàn thể khu vực liên tục tuyên truyền, vận động bà con đoàn kết chung tay xây dựng cuộc sống mới bằng nhiều hình thức: họp dân, phát tờ rơi, thông qua các câu lạc bộ phụ nữ, khuyến nông, văn nghệ... để nâng dần ý thức chấp hành luật pháp, đoàn kết trong nhân dân. Song song đó, cảnh sát khu vực, dân quân tự vệ, tổ bảo vệ dân phố thường xuyên phối hợp với Trung đoàn 24, Công an TP Cần Thơ tuần tra canh gác, giữ gìn an ninh trật tự... Đáng ghi nhận là hai năm qua (2009-2010), khu vực 2 không xảy ra trọng án, các tệ nạn xã hội tuy vẫn còn nhưng đã giảm rất nhiều so với những năm trước.

Hiện nay, hệ thống điện ở hẻm 388 và hẻm liên tổ 7-8-9 đã được nâng cấp. Hệ thống chiếu sáng ở nhiều hẻm nhỏ được lắp đặt đã góp phần hạn chế tai nạn giao thông và tệ nạn xã hội. Phường đang đề nghị sớm đầu tư hệ thống cấp nước cho những khu đông dân cư sinh sống... Bên cạnh những thay đổi bên ngoài, đáng mừng nhất chính là tình làng nghĩa xóm của bà con khu vực 2 ngày càng gắn bó và thắt chặt hơn. Vừa rồi, ông Phùng Văn Gấm, ngoài 60 tuổi, ở tổ 13 bị tai biến mạch máu não. Bà con xóm giềng và các đoàn thể đến thăm hỏi và giúp đỡ. Ông Gấm lâm bệnh nhưng vẫn thấy ấm áp vì tình nghĩa bà con dành cho mình. Trong khu vực có hai hộ nghèo có người thân qua đời cũng được bà con hỗ trợ tiền, hòm, lo tang ma chu đáo. Những hoàn cảnh khó khăn về nhà ở được bà con và mạnh thường quân hỗ trợ cất nhà mới hoặc sửa sang lại. Bà Nguyễn Thị Mót, 48 tuổi, một hộ nghèo của khu vực, tâm sự: “Lúc trước, nhà tôi là nhà lá mục nát, ẩm thấp, nước lớn là ngập nhà, phải bắc ván đi, khổ lắm. Chính quyền và bà con đã giúp đỡ tôi cất được căn nhà mới cao ráo, sạch sẽ. Nhờ vậy mà tôi yên tâm làm ăn, sinh sống”.

Năm 2010, bà con còn đóng góp trên 5 triệu đồng mua quà cho các em thiếu nhi nhân dịp Trung thu, mua tập vở tặng cho học sinh nghèo, khó khăn. Hằng năm, những dịp Tết Nguyên đán, nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn được nhận quà, gạo từ những nhà hảo tâm trong khu vực...

* * *

“Khu dân cư tiên tiến” là danh hiệu mà khu vực 2, phường An Khánh đã đạt được trong những năm qua. Hiện nay, khu vực đang tiếp tục phấn đấu để sớm được công nhận là “Khu vực văn hóa”.

SƠN THỦY

Chia sẻ bài viết