Hôm qua gần 10 triệu cử tri Hy Lạp lại đi bầu cử và đây là lần thứ ba họ tới thùng phiếu kể từ đầu năm nay. Trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 1, họ đã chọn đảng cánh tả Syriza do ông Alexis Tsipras dẫn dắt. Vị thủ tướng 41 tuổi này trước cũng như sau bầu cử đều lớn tiếng chỉ trích những biện pháp thắt lưng buộc bụng mà các chính phủ tiền nhiệm áp dụng để đổi lấy hai gói cứu trợ với tổng trị giá 240 tỉ euro, và điều đó đã giúp mang lại lá phiếu cho Syriza. Như để thêm tự tin trên bàn đàm phán với bộ ba chủ nợ là Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Thủ tướng Tsipras hồi tháng 7 còn tổ chức trưng cầu dân ý về các điều kiện cứu trợ tài chính, bất chấp Brussels liên tục cảnh báo động thái này có thể khiến Hy Lạp bị loại khỏi khu vực đồng tiền chung, thậm chí là Liên minh châu Âu. Và đúng như ông mong đợi, có tới hơn 61% cử tri nói không với các biện pháp thắt lưng buộc bụng.

Cựu Thủ tướng Alexis Tsipras trước khi bỏ phiếu. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, Thủ tướng Tsipras sau đó đã gây bất ngờ khi nhượng bộ các chủ nợ phương Tây, chấp nhận tăng thuế và cắt giảm chi tiêu để được cung cấp gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỉ euro. Sự thay đổi lập trường đột ngột này khiến 43 trong số 149 nghị sĩ Syriza bỏ phiếu chống hoặc trắng trong cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận cứu trợ tại quốc hội (thỏa thuận này vẫn được thông qua nhờ sự ủng hộ của...các dân biểu đối lập). Rồi 25 nghị sĩ Syriza bất mãn bỏ ra thành lập đảng mới. Trước tình hình đó, Thủ tướng Tsipras đã quyết định từ chức và kêu gọi bầu cử sớm với hy vọng sẽ nhận được sự ủy nhiệm mới từ cử tri.
Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy Syriza và đảng Dân chủ mới theo đường lối bảo thủ so kè nhau quyết liệt và không đảng nào giành đủ 151/300 ghế để một mình đứng ra thành lập chính phủ. Theo nhận định của BBC, điều này có thể sẽ dẫn tới một thời kỳ bất ổn chính trị mới bởi việc chấp nhận cải cách kinh tế đau đớn để đổi lấy tiền vay vẫn đang gây chia rẽ sâu sắc chính giới lẫn dân chúng "xứ sở thần thoại". Cần nhắc lại là từ khi cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp bùng nổ vào cuối năm 2009 đến nay, nước này đã trải qua 5 lần bầu cử sớm.
LÊ DÂN