04/03/2019 - 12:31

Vốn cho nông nghiệp 

TP Cần Thơ thu hút được nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng, hiện có  khoảng 46 tổ chức tín dụng đang hoạt động. Thời gian qua, các tổ chức tín dụng tại Cần Thơ không ngừng nỗ lực tăng trưởng tín dụng cả về quy mô và chất lượng để đáp ứng nhu cầu về vốn phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu nông- thủy sản...

Với nguồn vốn tín dụng được tăng cường đã hỗ trợ tích cực cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Thu hoạch lúa đông xuân 2018-2019 tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

“Bơm vốn” cho nông nghiệp

Theo Ngân hàng Nhà nước  Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ, dư nợ tín dụng trên địa bàn không ngừng tăng trong các năm qua, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 12%/năm giai đoạn 2016-2018. Cụ thể, tính đến cuối năm 2018 đạt 77.500 tỉ đồng, tăng 14,70% so với cuối năm 2017 và tăng 27,23% so với cuối năm 2016. Các ngân hàng đã tích cực triển khai các chương trình tín dụng, tín dụng ưu tiên, hỗ trợ đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, trong đó quan tâm tập trung cho lĩnh vực nông thủy sản và xuất khẩu. Năm 2018, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 26.900 tỉ đồng, chiếm 34,58% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn, tăng 7,55% so với năm 2017 và tăng 12,79% so với năm 2016. Dư nợ cho vay thu mua lúa gạo đạt 8.200 tỉ đồng, chiếm 10,58% trong tổng dư nợ, tăng 18,81% so với năm 2017 và tăng 25,70% so với năm 2016. Cho vay nuôi trồng và thu mua, chế biến thủy sản đạt 7.500 tỉ đồng, chiếm 9,68% tổng dư nợ, tăng 33,76% so với năm 2017 và tăng 14,57% so với năm 2016. Cho vay xuất khẩu hơn 11.700 tỉ đồng, tăng 20,06% so với năm 2017 và tăng 6,04% so với năm 2016, giúp chỉ tiêu xuất khẩu thành phố đạt và vượt cao so với kế hoạch năm 2017 và năm 2018…

Các tổ chức tín dụng tại thành phố đã tích cực thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như nâng mức cho vay không có tài sản đảm bảo lên gấp 2 lần so với mức vay hiện hành. Trong giai đoạn 2016-2018, mức dư nợ cho vay không có tài sản bảo đảm tăng từ 2.410 tỉ đồng năm 2016 lên 2.800 tỉ đồng năm 2018, chiếm 10,45% trong tổng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. 

Để gia tăng được quy mô tín dụng và thời hạn cho vay, các ngân hàng trên địa bàn cũng nỗ lực thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu và tăng nguồn vốn huy động, nhất là vốn trung và dài hạn. Năm 2016 cho vay ngắn hạn chiếm 60,33%, nhưng đến cuối năm 2018 tín dụng của ngân hàng đã chuyển dịch đáng kể sang cho vay trung, dài hạn với tỷ lệ đạt 44,90%, còn cho vay ngắn hạn chiếm 55,10%. Sự chuyển dịch này là tín hiệu tốt bởi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông thủy sản có nhu cầu lớn về vốn đầu tư trung và dài hạn để mở rộng sản xuất, cải tiến quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Nhu cầu vốn tiếp tục tăng

TP Cần Thơ có lợi thế trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là các mặt hàng nông thủy sản như: lúa gạo, trái cây, thủy sản. Cùng đó Cần Thơ cũng là địa phương thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư phát triển các cơ sở chế biến nông thủy sản và xuất khẩu, đảm nhận tiêu thụ đầu ra sản phẩm không chỉ cho thành phố mà còn cho các tỉnh lân cận. Các hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông-thủy sản được dự báo còn nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển vươn cao, nhất là khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, các khó khăn và thách thức đặt ra cũng là rất lớn khi sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông-thủy sản của nước ta còn hạn chế. Nhiều nước trên thế giới lại đang gia tăng các rào cản kỹ thuật để hạn chế hàng nhập khẩu. Điều này, đòi hỏi nông dân và doanh nghiệp trong nước phải tăng cường liên kết, đẩy mạnh đầu tư cải tiến công nghệ, quy trình canh tác… để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, nguồn vốn tự lực phần lớn các hộ dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh nông thủy sản trên địa bàn thành phố còn yếu. Tới đây, nhu cầu về vốn, nhất là vốn tín dụng với lãi suất thấp kỳ hạn dài sẽ có xu hướng tăng cao để các doanh nghiệp có đủ nguồn lực tài chính tập trung phát triển vùng nguyên liệu nông sản gắn với nhà máy chế biến và áp dụng các công nghệ mới, hiện đại nhằm tạo được sản phẩm tốt, chất lượng đạt chuẩn.

 Với nhiều hiệp định thương mại tự do đã chính thức có hiệu lực, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ tháng 1-2019 đã và đang mở ra cơ hội xuất khẩu nông thủy sản của TP Cần Thơ và cả nước nói chung do việc giảm thuế xuất nhập khẩu. Đồng thời, các sản phẩm nông thủy sản của ta có cơ hội tiếp cận nhiều thị trường còn tiềm năng lớn như: Nhật Bản, Canada, Úc… Các chuyên gia dự báo, xuất khẩu của chúng ta tăng thêm bình quân 4,2% hằng năm khi tham gia CPTPP. Ước lượng nhu cầu vốn tín dụng của ngành nông thủy sản cũng sẽ tăng thêm ít nhất 7% mỗi năm so với mức tăng trưởng tín dụng thông thường hằng năm để đáp ứng kim ngạch xuất khẩu tăng theo dự báo nhờ CPTPP.

Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ,  tới đây ngành ngân hàng tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan chức năng tháo gỡ kịp các khó khăn, vướng mắc nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn tín dụng cho các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông thủy sản, phấn đấu hỗ trợ cho thành phố đạt được tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 bình quân 21,3%/năm và thực hiện mục tiêu hội nhập và phát triển bền vững của thành phố. Trong đó, ngành ngân hàng quan tâm tăng cường huy động vốn tại chỗ, nhất là vốn dài hạn và đẩy mạnh cho vay, đầu tư vốn trung và dài hạn cho các dự án, vùng sản xuất hàng hóa xuất khẩu, dự án khai thác tiềm năng của thành phố, công nghiệp chế biến nông thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao. Chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan có sự thống nhất thẩm định tài sản nông nghiệp công nghệ cao, góp phần gỡ nút thắt tín dụng đối với lĩnh vực này. Song song đó, tích cực cải tiến mô hình kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ phi tín dụng, nhất là hoạt động thanh toán quốc tế, các kỹ thuật bảo hiểm tỷ giá để nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động trước thách thức của ngành ngân hàng khi hội nhập và hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp nông thủy sản…

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết