Các nhà nghiên cứu Đức đã phát hiện ra rằng chủng mới của virus corona (2019-nCoV) có thể tồn tại tới 9 ngày bên ngoài vật chủ.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học “Journal of Hospital Infection”, các nhà nghiên cứu ở Đức cho biết 2019-nCoV có thể tồn tại tới 9 ngày trên bề mặt các vật dụng với nhiệt độ trong nhà và con người có thể nhiễm virus bất cứ lúc nào trong thời gian này. Đây là thời gian tồn tại tối đa của virus nCoV bên ngoài vật chủ. Thời gian tồn tại trung bình của virus này bên ngoài vật chủ là từ 4-5 ngày.

Một con đường tại Thủ đô Bắc Kinh vắng vẻ xe hơi bất thường. Ảnh: Nytimes
Công cụ khử trùng được các nhà khoa học khuyến cáo là các dạng dung dịch như ethanol, hydrogen peroxide (oxy già) hoặc sodium hypochlorite. Do chưa có liệu pháp đặc hiệu chống nCoV nên việc ngăn ngừa nhiễm khuẩn là rất quan trọng. Giống như các trường hợp lây nhiễm qua không khí, nCoV lây lan qua bàn tay và các bề mặt được chạm thường xuyên. Theo nhà nghiên cứu Günter Kampf thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ và Môi trường, Đại học Y Greifswald, các điểm chạm thường xuyên trong bệnh viện có thể như tay nắm cửa, chuông, kệ đầu giường, thành giường hay các vật dụng khác trong khu vực gần bệnh nhân. Do vậy, bàn tay cũng như các vật dụng kể trên cần được khử trùng thường xuyên.
50% số ca lây nhiễm thứ cấp xảy ra trong thời kỳ ủ bệnh
Kết quả nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản cho thấy ít nhất 50% số ca lây nhiễm virus 2019-nCoV từ người sang người xảy ra khi người bệnh đầu tiên chưa xuất hiện các triệu chứng.
Theo nhóm nghiên cứu tại Đại học Hokkaido, qua phân tích 26 trường hợp lây nhiễm virus 2019-nCoV từ người sang người ở 6 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Thái Lan và Mỹ, thời gian lây nhiễm thứ cấp ngắn hơn so với ước tính trước đây. Mặc dù thời kỳ ủ bệnh trung bình của 2019-nCoV được cho là khoảng 5 ngày, song các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng bệnh nhân lây nhiễm thứ 2 trong số 50% trường hợp nhiễm virus từ người sang người đã xuất hiện các triệu chứng của viêm phổi trong vòng 5 ngày. Các chuyên gia kết luận rằng những bệnh nhân lây nhiễm thứ cấp này đã bị nhiễm virus trong thời gian những bệnh nhân đầu tiên ủ bệnh.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Hiroshi Nishiura, nhận định: “Những phát hiện này cho thấy rất khó để ngăn chặn dịch bệnh chỉ bằng biện pháp cách ly”. Ông kêu gọi tăng cường các biện pháp phòng ngừa cũng như cải thiện hệ thống chăm sóc y tế để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, thay vì chỉ tập trung vào các biện pháp cách ly khỏi cộng đồng.
Nguy cơ virus lây truyền qua chất thải của con người
Các nhà khoa học nói rằng tiêu chảy có thể là con đường lây lan thứ hai của 2019-nCoV gây bệnh viêm đường hô hấp cấp.
Trong số 138 bệnh nhân được nghiên cứu tại một bệnh viện ở thành phố Vũ Hán, thì có 14 người có triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn trong 1 đến 2 ngày trước khi bị sốt và khó thở. Công trình này của các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã được đăng trên tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) hôm 7-2. Trong khi đó, bệnh nhân Mỹ đầu tiên được chẩn đoán nhiễm virus 2019-nCoV cũng đã bị đi ngoài lỏng trong 2 ngày và sau đó virus đã được tìm thấy trong chất thải của người bệnh. Những trường hợp tương tự cũng đã được ghi nhận trong nghiên cứu của Trung Quốc đăng trên tạp chí Lancet.
William Keevil, Giáo sư về chăm sóc sức khỏe môi trường tại Đại học Southampton, nhấn mạnh điều quan trọng là virus 2019-nCoV đã được tìm thấy trong chất thải của những bệnh nhân đau bụng, tương tự như virus gây Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) từng được phát hiện trong nước tiểu trước đây. Điều này cho thấy nguy cơ lây truyền qua đường chất thải là rất cao.
Nhà nghiên cứu dịch bệnh David Fisman nhận định việc virus lây truyền qua đường chất thải có thể đặt ra thách thức mới cho công tác kiểm soát virus. Nhiều khả năng nó sẽ là vấn đề lớn trong các bệnh viện, bởi nơi đây có thể trở thành nguồn khuếch tán virus. Trong khi đó, chuyên gia virus Benjamin Neuman lại thận trọng cho rằng dù việc lây truyền qua đường chất thải rất đáng để xem xét, song dựa trên các dữ liệu hiện nay, dịch nhầy và việc chạm vào bề mặt chứa virus rồi đưa tay lên mắt, mũi, mồm nhiều khả năng vẫn là con đường lây lan chính.
Số ca nhiễm mới tại Trung Quốc tăng trở lại
Ngày 8-2, giới chức Trung Quốc đã xác nhận thêm 3.399 trường hợp nhiễm nCoV và 86 trường hợp tử vong tại 31 tỉnh thành của Trung Quốc trong ngày 7-2. Như vậy, số ca nhiễm mới của Trung Quốc đã tăng trở lại sau hai ngày liên tiếp giảm. Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh xác nhận có 1 công dân Mỹ 60 tuổi được xác định nhiễm nCoV hôm 5-2 tại Vũ Hán nằm trong số các nạn nhân tử vong mới tại Trung Quốc. Đây được coi là người Mỹ đầu tiên thiệt mạng vì nCoV. Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 8-2 cho biết 1 công dân nước này bị nghi nhiễm nCoV và nhập viện tại Vũ Hán cũng đã tử vong.
Tổng số trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh tại Trung Quốc đại lục là 34.546 trường hợp và tổng số người tử vong là 722 trường hợp. Theo Ủy ban Y tế quốc gia, hiện vẫn còn 6.101 người đang trong tình trạng nguy kịch. Tổng số người được xuất viện sau khi phục hồi là 2.050 trường hợp.
Nghiên cứu mới đây cho thấy đã có 40 nhân viên y tế bị nhiễm virus từ các bệnh nhân tại một bệnh viện ở thành phố Vũ Hán trong tháng 1 vừa qua. Điều này phản ánh nguy cơ mà những người đang ở tuyến đầu của cuộc chiến chống dịch bệnh phải đối mặt. Nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA). Theo nghiên cứu của các bác sĩ tại bệnh viện Zhongnan ở Đại học Vũ Hán, một bệnh nhân nhập viện được cho là có thể lây bệnh cho 10 nhân viên y tế. Tổng số bệnh nhân bị nhiễm virus trong giai đoạn từ ngày 1/1-28/1 vừa qua là 138 trường hợp, trong đó số ca bị lây nhiễm trong bệnh viện chiếm tới 41%.
Tỷ lệ lây nhiễm sang các nhân viên y tế cho thấy nguy cơ cao trong các bệnh viện ở giai đoạn đầu của dịch bệnh. Michael Head, chuyên gia y tế toàn cầu của Đại học Southampton nhận định nếu như điều này là sự thật, sẽ có những bệnh nhân có khả năng lây nhiễm cao hơn những người khác và nó sẽ gây khó khăn trong việc kiểm soát các ca nhiễm.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 7-2 đã cảnh báo thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt khẩu trang và các thiết bị bảo vệ khác trong cuộc chiến đối phó với chủng nCoV. Phát biểu trong cuộc họp với ban điều hành của WHO tại Geneva, Tổng Giám đốc Tedros cho biết giá các loại mặt hàng như khẩu trang đã tăng hơn 20 lần tại một số nơi trên thế giới. Theo ông, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi khẩu trang “sử dụng không hợp lý” bởi những người không bị ốm hay không phải là nhân viên y tế.
P.V (Theo TTXVN)