10/10/2021 - 07:20

Viện dưỡng lão giữa đại dịch 

Khi Natalie Walters đến thăm viện dưỡng lão của cha cô, người đã mất vì COVID-19, bãi đậu xe gần như trống rỗng trong khi thang máy không một bóng người. Trên tầng 13 tòa nhà, đèn thì tắt trong khi tivi không hoạt động. Lần cuối Walters đến đây cách đây 9 tháng, cô chỉ nhìn thấy một vài phụ tá qua lại và một y tá làm việc tại phòng hồ sơ. Nhưng giờ đây, nó giống như một thị trấn ma.

Cổng vào Trung tâm điều dưỡng và phục hồi chức năng Blumenthal, nơi chứng kiến lượng nhân viên giảm tới 25% so với đầu năm 2019. Ảnh: AP

Thật ra, ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các viện dưỡng lão tại Mỹ luôn trong tình trạng thiếu hụt nhân sự. Giờ đây, đội ngũ nhân sự thậm chí còn mỏng hơn khi khoảng 32% số viện dưỡng lão ở xứ cờ hoa cho biết số y tá và trợ lý giảm mạnh so với trước khi COVID-19 bắt đầu tàn phá các cơ sở của họ.

Theo hãng tin AP, khi COVID-19 tấn công các viện dưỡng lão, một số nhân viên đã bỏ chạy vì sợ bị phơi nhiễm, một số tìm việc ở các nhà hàng hay cửa hàng với mức lương tương đương hoặc cao hơn, số khác thì bị các viện dưỡng lão cho thôi việc do lượng người đăng ký ở tại viện dưỡng lão giảm. Theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, tổng cộng, các viện dưỡng lão đã “thất thoát” hơn 380.000 nhân viên trong vòng 1,5 năm qua. Con số này dự kiến sẽ tăng cao khi mà ngày càng ít người đăng ký ở tại viện dưỡng lão do lo ngại nhiễm COVID-19. Ðến nay, hơn 135.000 ca tử vong do COVID-19 được ghi nhận tại các viện dưỡng lão, trong khi số ca tử vong do các nguyên nhân khác tại đây cao hơn mức
bình thường.

Chỉ riêng tại viện dưỡng lão The Laurels of Huber Heights ở thành phố Dayton, bang Ohio, tỷ lệ nhân viên giảm tới 8% so với thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát. The Laurels of Huber Heights trong một tuyên bố thừa nhận “tình hình nhân sự có vẻ khác nhiều so với đầu năm 2019”. Cơ sở này cam kết tuyển dụng và duy trì nhân sự nhưng “đó là cuộc chiến khó khăn để vượt qua những định kiến về ngành công nghiệp chăm sóc người già”. Còn tại Trung tâm điều dưỡng và phục hồi chức năng Blumenthal ở thành phố Greensboro, bang Bắc Carolina, nhân sự giảm tới 15% so với đầu năm 2020 và 25% so với đầu năm 2019.

AP cho biết, tại các viện dưỡng lão có lượng nhân viên giảm mạnh, thời gian người già tiếp xúc với nhân viên giảm trung bình 21 phút mỗi ngày, tức khoảng 11 tiếng/tháng. Họ ít được hỗ trợ vào giờ ăn, ít được tắm hơn cũng như ít được thay đổi tư thế nằm. Trong một số trường hợp, một số người già thậm chí không được phát hiện hoặc nghe thấy tiếng kêu cứu khi họ té ngã, bị nghẹt thở hoặc có nguy cơ gặp nguy hiểm.

Charlene Harrington, giáo sư tại Ðại học California, chuyên theo dõi tình hình nhân sự tại các viện dưỡng lão, cho rằng chính tình trạng thiếu hụt nhân sự, chậm xét nghiệm kết hợp với việc thiếu thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) đã khiến cho COVID-19 lây lan tại các viện dưỡng lão. “Ðây là lý do tại sao COVID-19 lây lan. Nếu các viện dưỡng lão tăng cường nhân sự, thực hiện xét nghiệm COVID-19 2 lần/tuần và có đủ PPE…thì họ đã cứu được hàng ngàn mạng người” - bà Harrington nói.

Hiệp hội Chăm sóc Sức khỏe Mỹ (AHCA) cho hay 99% viện dưỡng lão và 96% cơ sở chăm sóc người già bị thiếu hụt nhân sự trong một cuộc khảo sát hồi tháng 9. Còn trong cuộc khảo sát hồi tháng 6, AHCA phát hiện tới 84% viện dưỡng lão bị giảm doanh thu do ít người già đăng ký đến ở, và gần một nửa số viện dưỡng lão và cơ sở chăm sóc người già buộc phải đóng cửa.

Do đó, AHCA trong một tuyên bố kêu gọi thêm tài trợ liên bang, sửa đổi chương trình bảo hiểm y tế Medicaid cũng như các chương trình khác của chính phủ để hỗ trợ cho công tác thuê người chăm sóc người cao tuổi. “Tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là điều tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua. Nhiều cơ sở hiện có nguy cơ đóng của vì những thách thức về lực lượng lao động. Nếu muốn cải thiện tình hình nhân sự tại các viện dưỡng lão, chúng ta cần các nhà hoạch định chính sách phác thảo kế hoạch đầu tư dài hạn” - AHCA nhấn mạnh.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết