18/09/2009 - 20:47

Việc làm từ thiện của một lương y

Lương y Huỳnh Văn Ba (bên phải) đang bắt mạch cho bệnh nhân.

Tuổi đã gần 70, nhưng lương y Huỳnh Văn Ba - đang làm việc tại phòng thuốc nam ở Đình thần Thường Thạnh (khu vực Thạnh Mỹ, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) - vẫn luôn tận tụy với nghề, hết lòng phục vụ bệnh nhân. Ngoài việc trị bệnh, ông Ba còn rất tích cực tham gia công tác từ thiện, được mọi người nể trọng và quý mến...

Ngày nào cũng vậy, từ thứ hai đến thứ bảy, lương y Huỳnh Văn Ba đều được cháu nội là Huỳnh Văn Hòa chở bằng xe máy đến làm việc tại phòng thuốc nam của Đình thần Thường Thạnh. Mặc dù từ nhà ở ấp Thạnh Long, xã Long Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, đến nơi làm việc khá xa (khoảng 11 cây số), nhưng đúng 7 giờ là ông Ba bắt đầu khám bệnh cho bệnh nhân. Khi đó, phòng thuốc nam luôn chật cứng bệnh nhân ngồi chờ ông Ba trị bệnh. Chờ đến xế trưa, tôi mới được trò chuyện cùng ông Ba, thế nhưng cuộc trò chuyện luôn bị gián đoạn, bởi có bệnh nhân từ nơi xa tới, ông Ba phải bắt mạch, bốc thuốc.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Hà (ngụ ấp Khánh Hội A, xã Phú An, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), cho biết: “Cách đây 2 năm, tôi bị nhức xương sống, tê chân, đi trị bệnh ở nhiều nơi nhưng không hết. Nghe tiếng đồn về tài trị bệnh của ông Ba, tôi tìm đến phòng mạch. Không ngờ chỉ trong 2 tháng trị bệnh, với khoảng 60 thang thuốc thì bệnh tôi hết hẳn”. Ông Nguyễn Văn Sơn (ngụ xã Phú An, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) nói: “Tôi bị bệnh khớp chân và bệnh thận, điều trị bằng thuốc tây tốn kém nhiều mà không hết, đôi chân ngày càng sưng to, đau nhức. Nghe nhiều người chỉ ông Ba trị hay lắm, tôi tìm đến nhờ ông và được điều trị khoảng 5 tháng thì dứt bệnh, người khỏe hẳn. Hôm nay, tôi chở vợ đến nhờ ông Ba trị bệnh đau bao tử”.

Hành nghề đã 30 năm, ông Ba trị nhiều thứ bệnh như: thấp khớp, thần kinh tọa, gan nhiễm mỡ, xơ gan, viêm gan, vảy nến... Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân tìm đến ông Ba ngày càng đông. Các bệnh nhân đến nhờ ông Ba trị bệnh đều được đón tiếp một cách niềm nở, nhiệt tình. Tuy tuổi đã cao, nhưng ông Ba vẫn làm việc cật lực, luôn vì bệnh nhân. Có ngày bệnh nhân đông, ông làm việc quá trưa hoặc đến tối mới được ngơi nghỉ. Ông bộc bạch: “Là một lương y, tôi chỉ mong muốn nhanh chóng điều trị dứt bệnh cho bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân từ xa xôi như: Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Sóc Trăng... tìm đến, không lẽ vì hết giờ làm việc, mình lại để người ta chờ đợi. Nhiều bệnh nhân thấy tôi quá bận rộn còn phụ tôi gói thuốc”.

Cha của ông Ba là thầy thuốc nam, đã mất khi ông lên 5 tuổi. Ông Ba không hề có ý định nối nghiệp gia truyền. Học đến lớp 9, ông Ba phải nghỉ học do chiến tranh. Ông Ba phụ giúp gia đình làm ruộng và tham gia cách mạng. Nhưng ông Ba thường xuyên bị bệnh. Dòng họ khuyên ông Ba nên nối nghiệp gia truyền thì có thể sẽ hết bệnh. Mọi người thuyết phục riết, ông Ba nghe theo. Quả nhiên sau đó, ông Ba không hề trị mà bệnh ông tự dưng hết hẳn. Ông Ba bắt đầu theo ông chú- em của ông nội - học nghề. Học được 3 năm, ông Ba trở thành thầy thuốc nam, trị bệnh tại nhà.

Biết tiếng ông Ba, ông Trương Vĩnh Bảo, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang (cũ) giới thiệu ông đi học khóa lương y. Sau 9 tháng theo học, ông Ba được cấp bằng Y học Dân tộc Cổ truyền của Hội Đông y thành phố Cần Thơ. Sau đó, ông Ba được ông Bảo giúp đỡ mở phòng thuốc nam ở Đình Thường Thạnh. Ban đầu, ông Ba mượn một phòng của Đình Thường Thạnh làm phòng mạch. Thấy phòng thuốc của ông Ba quá chật chội, các bệnh nhân được ông Ba trị hết bệnh đã ủng hộ khoảng 60-70 triệu đồng giúp ông Ba xây dựng phòng mạch, cặp Đình thần. Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân tìm đến phòng mạch ông Ba ngày càng đông. Trung bình mỗi ngày có từ 40 đến 70 bệnh nhân đến nhờ ông Ba bắt mạch, trị bệnh.

Điều mà các bệnh nhân quý ông Ba là ông trị bệnh không đòi hỏi tiền bạc, ai muốn gởi tiền hoặc không gởi tiền đều được ông Ba tận tình bắt mạch, cho thuốc. Nhưng nếu bệnh nhân đưa tiền quá nhiều thì ông Ba không nhận mà khuyên các bệnh nhân hãy dùng số tiền đó làm từ thiện. Do đó, vào các ngày rằm tháng giêng, tháng bảy, tháng mười, Tết Nguyên đán... các bệnh nhân từng được ông Ba trị hết bệnh thường cùng ông góp tiền ủng hộ Đình Thường Thạnh làm việc từ thiện, tặng gạo, mì... cho những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vừa qua, nhân ngày lễ Vu Lan báo hiếu, ông Ba đã cùng với các bệnh nhân tặng gần 2 tấn gạo cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, năm nào, ông Ba cũng phát quà từ thiện tại gia đình, cho khoảng 50-60 người nghèo, mỗi người được 10 kg gạo, 10 gói mì, 1/2 kg đường. Món quà tuy không lớn nhưng những người đến nhận đều rất vui và cảm động. Không chỉ thế, ông Ba còn ủng hộ tiền, gạo cho Hội Chữ thập đỏ của quận Cái Răng... Mười năm nay, bà Ba còn thường xuyên đi nấu cơm từ thiện ở các bệnh viện.

Như thường lệ, vào ngày Chủ nhật hằng tuần, các con ông Ba tập hợp về nhà cha mẹ tiếp làm thuốc nam. Con trai thì đi chặt cây thuốc, còn con gái thì gom các cây thuốc lại, chặt nhỏ, đem phơi. Chị Huỳnh Thị Dệt- con gái ông Ba, nói: “Vào ngày Chủ nhật, gia đình chúng tôi luôn rộn rã tiếng cười của các anh chị em và con cháu. Từ nhỏ, 9 anh em chúng tôi được cha mẹ giáo dục phải biết hòa thuận, thương yêu nhau và hết lòng giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cha không bắt chúng tôi phải tham gia chặt thuốc. Chúng tôi làm việc này trên tinh thần tự nguyện”. Hiện, hai người cháu của ông Ba tự nguyện theo ông Ba học việc. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, Huỳnh Văn Hòa, cháu nội ông Ba, đã về phụ giúp ông Ba làm một số việc ở phòng mạch. Còn cháu ngoại Võ Hoàng Linh được ông Ba định hướng cho đi học Đông y. Hai người cháu của ông Ba cũng mong muốn làm được những việc có ích cho cộng đồng, nhất là giúp những bệnh nhân nghèo như ông của mình.

Bài, ảnh: Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết