25/09/2022 - 07:50

Vì sao Trung Quốc khôi phục CKU? 

“Chiến dịch quân sự đặc biệt” do Nga phát động tại Ukraine đã làm hồi sinh nhiều kế hoạch xây dựng các tuyến liên kết giao thông khu vực mới nhằm làm giảm những tổn thất của các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt lên Mát-xcơ-va.

Công nhân xây dựng một đoạn đường sắt ở Kyrgyzstan. Ảnh: Eurasianet

Công nhân xây dựng một đoạn đường sắt ở Kyrgyzstan. Ảnh: Eurasianet

Trong đó, đáng chú ý nhất là thỏa thuận xây dựng hành lang đường sắt Trung Quốc - Kyrgyzstan - Uzbekistan (CKU) được Bắc Kinh, Bishkek và Tashkent ký kết bên lề Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Uzbekistan gần đây, đánh dấu bước đột phá mới trong sự phát triển của dự án sau gần 20 năm đàm phán. Khi hoàn thành, đây sẽ là tuyến đường ngắn nhất từ Trung Quốc đến châu Âu nhưng không đi qua Nga.

Giới phân tích cho rằng thỏa thuận CKU có thể là một trong những kết quả quan trọng nhất của hội nghị SCO năm nay, mang đến cái nhìn thoáng qua về hợp tác toàn diện dựa trên nền tảng đa phương, từ an ninh đến cơ sở hạ tầng và hợp tác kinh tế khu vực. Theo họ, CKU sẽ giữ vai trò vô cùng quan trọng, bởi nó sẽ tạo nên một hành lang “phía Nam” giữa Trung Quốc và châu Âu vốn có thể mở rộng hơn nữa đến Trung Đông trong tương lai, kết hợp với tuyến đường “hướng Bắc” hiện tại đi qua Nga và Kazakhstan để tạo thành mạng lưới hậu cần Âu - Á chiến lược mới dọc theo Sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” của Trung Quốc.

“Đây có thể là một bước ngoặt trong sự phát triển của tuyến đường sắt này và là một trong những dự án hợp tác kinh tế đa phương quan trọng nhất mà SCO mang lại. Việc khởi động lại dự án cũng sẽ mang đến những cơ hội mới trong hợp tác kinh tế khu vực dựa trên khuôn khổ SCO và hợp tác Trung Quốc - Trung Á” - Zhao Huirong, chuyên gia nghiên cứu Đông Âu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định.

Hồi sinh nhờ xung đột tại Ukraine

Theo tờ Eurasianet, tuy thỏa thuận không đưa ra lộ trình xây dựng tuyến đường nói trên nhưng nó dự kiến sẽ được khởi công vào năm 2023 sau khi hoàn thành các nghiên cứu về tính khả thi trong năm nay.

Dự án trên được lên kế hoạch cách đây ¼ thế kỷ nhưng đến nay vẫn nằm trên “bàn giấy”. Tuy nhiên, trong bối cảnh chuỗi cung ứng thay đổi do “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine, dự án đã được hồi sinh.

Theo kế hoạch, tuyến đường sẽ bắt đầu tại Torugart, con đèo thuộc dãy núi Tian Shan gần biên giới giữa Vùng Naryn của Kyrgyzstan và Khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc và tiếp tục hướng về phía Bắc qua các khu định cư Arpa và Makmal rồi đến vùng Jalal-Abad, nơi sẽ kết nối với mạng lưới đường sắt của Uzbekistan. Được biết, Makmal là khu vực có mỏ vàng do một liên doanh giữa Trung Quốc và Kyrgyzstan điều hành.

Tổng chiều dài dự kiến của hành lang đường sắt CKU sẽ là khoảng 523km, trong đó 213km ở Trung Quốc, 260km ở Kyrgyzstan và khoảng 50km ở Uzbekistan. Ước tính, tổng kinh phí dành cho dự án lên tới 4,5 tỉ USD và có khả năng được các quốc gia thành viên hoặc các tổ chức quốc tế và khu vực chung tay đóng góp. Sở dĩ tuyến đường “ngốn” nhiều tiền đến như vậy bởi nó sẽ đi qua nhiều khu vực địa hình đồi núi đòi hỏi phải xây dựng tới 90 đường hầm. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ cần xây dựng 160km đường ray để kết nối với tuyến đường mới.

Hướng tới mục tiêu xa hơn

Hiện cả 3 nước Trung Quốc, Kyrgyzstan và Uzbekistan đều khẳng định sự quyết tâm biến dự án trở thành hiện thực, bởi tuyến đường sẽ thúc đẩy thương mại và kết nối không chỉ cho Trung Quốc, Kyrgyzstan và Uzbekistan mà cho toàn bộ khu vực và châu Âu. Nếu được hoàn thành, tuyến đường mới này có thể kết nối qua Turkmenistan đến Iran và tới Thổ Nhĩ Kỳ, cửa ngõ vào châu Âu và đây sẽ là tuyến đường vận chuyển hàng hóa ngắn nhất từ Trung Quốc đến châu Âu và cả Trung Đông vì nó sẽ rút ngắn hành trình vận chuyển tới 900km và cắt giảm thời gian di chuyển từ 7-8 ngày.

Nhận thấy hoạt động thương mại sẽ gia tăng khi tuyến đường hoàn thành, Kyrgyzstan có kế hoạch biến nước này thành trung tâm sản xuất và điều phối thương mại khu vực Trung Á. Chỉ riêng phí vận chuyển thu về từ tuyến đường có thể góp phần giúp Kyrgyzstan phục hồi kinh tế.

Về phần mình, Uzbekistan sẽ trở thành trung tâm chính cho các dự án liên kết tại khu vực bởi ngoài CKU, Uzbekistan còn kết nối với Kazakhstan, Nga ở phía Bắc và với Turkmenistan, Hành lang vận tải Bắc - Nam quốc tế (INSTC), mạng lưới vận chuyển hàng hóa từ bờ biển phía Tây Ấn Độ đến Bắc Âu qua Iran, Azerbaijan và Nga. Giới phân tích cho rằng tiềm năng dành cho CKU sẽ được tăng cường hơn nữa nếu như được kết nối với Tuyến vận tải đường sắt Pakistan - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ mới mở lại gần đây.

Và một khi được triển khai, CKU cũng có thể kết nối với đường bộ, đường sắt và đường hàng không hiện có đến Kazakhstan. Hiện tại, Uzbekistan là thành viên quan sát và dự kiến sẽ sớm gia nhập Liên minh Kinh tế Á - Âu vốn gồm các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Belarus cũng như Armenia và có các hiệp định thương mại tự do với một số quốc gia. CKU cũng có thể liên kết với Hiệp định Thương mại và Quá cảnh Tứ giác cùng với Pakistan, Trung Quốc và Kyrgyzstan, nơi từ lâu Uzbekistan tìm kiếm tư cách thành viên.

Tóm lại, hành lang đường sắt CKU mang lại một số cơ hội chiến lược và kinh tế cho các nước thành viên cũng như các tổ chức và quốc gia trong khu vực. Thông qua CKU, Trung Quốc có cơ hội đa dạng hóa các tuyến đường thương mại và tạo sức bật cho quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Vấn đề khó khăn nhất là các nước tham gia hành lang CKU phải đối mặt với nhiều thách thức khi kinh phí xây dựng tuyến đường quá cao, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là vào mùa đông. Sự chênh lệch khổ đường sắt với Trung Quốc, tình trạng bất ổn chính trị của Kyrgyzstan, các vấn đề về hậu cần và kỹ thuật trước khi tuyến đường trở thành hiện thực cũng khiến các nước “đau đầu”.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Trung Quốc củng cố vị thế tại Kazakhstan

Trước khi đến Uzbekistan dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình  đã có trạm dừng chân nước ngoài đầu tiên kể từ đại dịch COVID-19 ở Kazakhstan.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đi thăm một triển lãm trưng bày các hiện vật thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa 2 nước hôm 14-9 tại Astana. Ảnh: APS

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đi thăm một triển lãm trưng bày các hiện vật thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa 2 nước hôm 14-9 tại Astana. Ảnh: APS 

Kazakhstan là cửa ngõ chủ chốt của mạng lưới đường sắt vận tải hàng hóa từ Trung Quốc đến châu Âu. Trong bối cảnh tuyến đường sắt từ Trung Quốc đi qua Nga và Belarus tới châu Âu gặp thách thức do lệnh cấm vận quốc tế liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, hai tuyến đường sắt từ Trung Quốc đi qua Kazakhstan đóng vai trò sống còn hơn bao giờ hết. Một tuyến đường sắt thứ ba kết nối 2 nước cũng đang được xây dựng. Ngoài ra, Trung Quốc và Kazakhstan có nhiều tuyến vận tải trung chuyển hàng hóa  bằng đường cao tốc và tàu biển khác.

Kazakhstan được coi là quốc gia trung chuyển quốc tế kết nối Trung Quốc với châu Âu. Chính tại Kazakhstan năm 2013, Chủ tịch Tập công bố Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) và từ đó đến nay đã có 11 tuyến vận tải quốc tế được thiết lập đến châu Âu, Iran, Trung Quốc và Đông Nam Á.

Giai đoạn 2005-2020, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc vào Kazakhstan đạt 19,2 tỉ USD, chủ yếu ở lĩnh vực dầu khí, trong khi kim ngạch thương mại song phương năm 2021 đạt 25,25 tỉ USD. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Kazakhstan, nơi cung cấp tài nguyên và khoáng sản quan trọng cho Bắc Kinh.

Nhờ vị thế địa chiến lược quan trọng, Kazakhstan cũng thu hút nhiều dự án FDI . Năm 2021, trong khi các dự án FDI từ Trung Quốc chỉ chiếm 7,8%, thì từ Liên minh châu Âu (EU) chiếm 42,61%,  Mỹ chiếm 11,81%. Các dự án FDI từ Nga, quốc gia có đường biên giới dài 7.644km với Kazakhstan, chiếm 8,01%.

Là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và Liên minh Kinh tế Á - Âu, Kazakhstan được coi là đồng minh của Nga. Tuy nhiên, Astana luôn giữ cân bằng trong quan hệ giữa các nước lớn. Chính quyền Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev tỏ ra trung lập trong cuộc chiến Nga - Ukraine, không công nhận 2 nước cộng hòa tự xưng ở Donbass. Trước nay, Kazakhstan cũng không ủng hộ 2 vùng ly khai Abkhazia và Nam Ossetia của Gruzia.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết