03/11/2021 - 21:02

Vì sao Trung Quốc kêu gọi người dân tích trữ lương thực? 

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 1-11 vừa ra một chỉ thị, trong đó yêu cầu chính quyền địa phương khuyến khích người dân tích trữ nhu yếu phẩm, gồm rau củ, dầu ăn và thịt gia cầm để “đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày và trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp”.

Một phụ nữ Trung Quốc lựa mua rau củ. Ảnh: CNN

Cơ quan này cũng yêu cầu chính quyền địa phương phải đảm bảo rằng người dân được “cung cấp đầy đủ” các nhu yếu phẩm từ mùa đông này sang mùa xuân tới, đồng thời kêu gọi giới chức giữ cho giá cả ổn định khi mà trong những tuần gần đây, giá rau củ trên khắp Trung Quốc tăng mạnh do lượng mưa lớn bất thường gây ảnh hưởng đến mùa màng.

Mạng xã hội “dậy sóng”

Trước nay, Trung Quốc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích trữ lương thực cũng như các nhu yếu phẩm hàng ngày khác. Tuy nhiên, điều này hiếm khi thu hút sự chú ý của người dân. Song, chỉ thị mới của Bộ Thương mại khiến nhiều người lo lắng, làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội. Hashtag “Bộ Thương mại khuyến khích các hộ gia đình tích trữ nhu yếu phẩm hàng ngày khi cần” thu hút hơn 40 triệu lượt xem và gần 5.000 lời bình luận trên mạng xã hội Weibo. Một số người dùng thậm chí còn suy đoán rằng lời kêu gọi tích trữ lương thực có liên quan đến khả năng nổ ra chiến tranh với Ðài Loan.

Chỉ thị của Bộ Thương mại trên thực tế đã khiến một số người đổ xô đi tích trữ gạo, dầu ăn và muối.

Phản ứng của cư dân mạng mạnh mẽ đến mức một số cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc phải tìm cách trấn an. Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu, đã lên tiếng bác bỏ những thông tin cho rằng thông báo trên có thể liên quan đến căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Bắc Kinh và Ðài Bắc. Trong khi đó, tờ Nhật báo Kinh tế Trung Quốc hôm 2-11 có bài viết cho rằng nhà chức trách chỉ muốn nhắc nhở các hộ gia đình chuẩn bị trong trường hợp Bắc Kinh ban hành các lệnh phong tỏa tạm thời nhằm ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2.

Còn Ðài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV dẫn lời Zhu Xiaoliang, quan chức Bộ Thương mại, cho rằng thông báo trên chỉ dành cho chính quyền địa phương. Ông Zhu tuyên bố nguồn cung cấp thực phẩm hàng ngày cho người dân hiện đầy đủ và có thể được “đảm bảo hoàn toàn”.

Một số chuyên gia thì cho rằng lời kêu gọi tích trữ nhu yếu phẩm cũng có thể liên quan đến nỗ lực của chính phủ nhằm tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế. “Việc chính phủ khuyến khích dự trữ nguyên liệu cũng có thể liên quan đến việc thúc đẩy tiêu dùng, kích thích nhu cầu trong nước và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” - Liu Zhengshan, nhà kinh tế độc lập ở Trung Quốc, viết trên Weibo.

Giá rau củ tăng vọt

Chính phủ Trung Quốc thường rất nỗ lực để tăng cường nguồn cung rau tươi và thịt heo trước dịp lễ quan trọng nhất của đất nước, đặc biệt là Tết Nguyên đán. Năm 2022, tết cổ truyền của Trung Quốc rơi vào đầu tháng Hai. Nhưng năm nay những nỗ lực đó đã trở nên cấp thiết hơn sau khi thời tiết khắc nghiệt vào đầu tháng 10 đã phá hủy mùa màng ở Sơn Ðông - vùng trồng rau lớn nhất của đất nước - và những ca nhiễm COVID-19 bùng phát ở khắp các nơi, từ Tây Bắc đến Ðông Bắc, đe dọa làm gián đoạn nguồn cung cấp lương thực .

Lâu nay, Trung Quốc vẫn luôn duy trì chính sách “zero-COVID” nghiêm ngặt ngay cả khi nhiều nước trên thế giới dần nới lỏng và học cách sống chung với đại dịch. Theo Wang Hongcun, một quan chức của Cục Thương mại thành phố Bắc Kinh, chính các nỗ lực trên toàn quốc nhằm hạn chế các ca nhiễm virus Corona của Trung Quốc có thể góp phần làm tăng giá thực phẩm. Trong khi đó, Trung Quốc đang tăng cường áp dụng các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn đợt bùng phát mới nhất trước Thế vận hội Olympic mùa Ðông Bắc Kinh dự kiến khai mạc vào ngày 4-2-2022. Mặt khác, tình trạng thiếu than trên diện rộng khiến cho việc canh tác trong nhà kính trở nên tốn kém hơn, cũng như thời tiết khắc nghiệt làm hư hại mùa màng ở các tỉnh nông nghiệp cũng góp phần khiến giá rau củ tăng vọt.

Ông Wang trong một cuộc họp báo mới đây nói rằng giá cả một số loại rau củ ở Bắc Kinh đã tăng hơn 50% trong tháng rồi. Trong tuần cuối cùng của tháng 10, giá trung bình của 19 loại rau củ do Bộ Nông nghiệp Trung Quốc theo dõi tại 286 chợ đầu mối trên cả nước tăng 49,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 13,5% so với tuần trước đó. Ðáng lo ngại, giá trung bình của 28 loại rau củ khác nhau trong tháng rồi tăng 16% so với tháng 9. Việc tăng giá khiến các nhà kinh tế lo ngại rằng tình trạng lạm phát nguyên liệu và sản xuất đang lan sang các sản phẩm tiêu dùng.

TRÍ VĂN (Theo CNN, SCMP)

Chia sẻ bài viết